Công Vụ 13:4-14
“Phao-lô với đồng bạn mình xuống thuyền tại Ba-phô, sang thành Bẹt-giê trong xứ Bam-phi-ly. Nhưng Giăng lìa hai người, trở về thành Giê-ru-sa-lem” (câu 13).
Câu hỏi suy ngẫm: Đoàn truyền giáo của Sứ đồ Phao-lô đối diện với những hoàn cảnh nào (câu 4-12; Ga-la-ti 4:13-15)? Ông Giăng Mác đã phản ứng thế nào trước hoàn cảnh này? Điều này dẫn đến hậu quả nào (Công Vụ 15:37-39)? Bạn học được bài học gì khi hầu việc Chúa?
Trong hành trình truyền giáo thứ nhất, Sứ đồ Phao-lô cùng các cộng sự đã nhìn thấy quyền năng diệu kỳ của Chúa nhưng cũng không thiếu những sự chống đối của quyền lực tối tăm. Hơn thế nữa, Sứ đồ Phao-lô cũng đang bị bệnh (Ga-la-ti 4:13-15). Và ở giữa cuộc hành trình “Giăng lìa hai người, trở về thành Giê-ru-sa-lem” (câu 13b). Qua sự xung đột giữa Sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba sau đó, chúng ta đoán biết ông Giăng Mác đã sợ hãi, nản lòng và bỏ rơi đoàn truyền giáo khi đối diện với những hoàn cảnh khó khăn và đầy áp lực. Ông đã không trở về An-ti-ốt, nơi ông từng phục vụ Chúa, mà về Giê-ru-sa-lem, nhà của mẹ ông. Có thể hiểu ông Giăng Mác đã hoàn toàn từ bỏ chức vụ và sự kêu gọi của Chúa.
Đây là bài học quan trọng cho mỗi chúng ta. Nhiều người nghĩ rằng khi hầu việc Chúa thì sẽ nhận được phước thuộc thể, được tôn trọng, và mọi sự đều suôn sẻ. Nhưng Kinh Thánh dạy con đường theo Chúa Giê-xu là con đường thập giá, con đường chịu khổ. Chúa Giê-xu đã dùng hình ảnh của một thợ xây tháp phải dự tính trước phí tổn, và một vị vua phải tính số lượng binh lính trước khi ra trận để nói về việc mỗi người cần biết giá phải trả khi theo Chúa (Lu-ca 14:28-33). Nếu không sẵn sàng chịu khổ, chúng ta chắc chắn sẽ bỏ cuộc khi đối diện với sự bắt bớ, gièm pha, vu khống, hay bệnh tật, đau đớn.
Khi Sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba trở về Giê-ru-sa-lem để báo cáo về sự thành công của đoàn truyền giáo (Công Vụ 15:3-4), cũng là lúc ông Giăng Mác cảm thấy hối tiếc vì sự đào ngũ hèn nhát của mình. Có lẽ chính điều đó đã khiến ông quay lại với đoàn truyền giáo của Sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba lần thứ hai. Tuy nhiên, Công Vụ 15:35-41 cho biết do sự đào ngũ của ông Giăng Mác trước đó đã chia cắt sự hợp tác của hai nhà truyền giáo vĩ đại là Phao-lô và Ba-na-ba. Sứ đồ Phao-lô đã cùng với Si-la đến Sy-ri và Si-li-si truyền giáo, còn ông Ba-na-ba đem theo ông Giăng Mác đến Chíp-rơ.
Trong 10 năm kế tiếp của lịch sử Hội Thánh, ông Giăng Mác không được Kinh thánh đề cập nữa. Nhưng đây không phải là dấu chấm hết cho chàng thanh niên Giăng Mác vì “Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1), vì ân sủng của Đức Chúa Trời là dư dật, và vì “sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (II Cô-rinh-tô 12:9). Ha-lê-lu-gia! Cảm tạ Chúa!
Bạn có nhìn biết ân sủng lạ lùng và dư dật của Chúa trên đời sống bạn không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì nhiều lần Ngài đã nâng con lên sau những lúc con ngã lòng, thất bại. Ngài đã lấy ánh mắt yêu thương mà nhìn con, tha thứ và phục hồi con sau những ngu dại của con. Ân sủng của Chúa thật lạ lùng trên con. Tạ ơn Chúa vô cùng.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 35
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org