Của Lễ Vui Mừng, Cảm Tạ và Đầu Phục – 25/9/2019

5263

 

I Sử Ký 16:1-3

1 Chúng thỉnh hòm của Đức Chúa Trời về, để trong trại của Đa-vít đã dựng lên cho nó; đoạn dâng những của lễ thiêu và của lễ bình an tại trước mặt Đức Chúa Trời. 2 Khi Đa-vít đã dâng của lễ thiêu và của lễ bình an xong, bèn nhân danh Đức Giê-hô-va chúc phước cho dân sự; 3 đoạn phân phát cho hết thảy người Y-sơ-ra-ên, cả nam và nữ, mỗi người một ổ bánh, một miếng thịt, và một cái bánh nho khô.

Câu gốc: “Chúng thỉnh hòm của Đức Chúa Trời về, để trong trại của Đa-vít đã dựng lên cho nó; đoạn dâng những của lễ thiêu và của lễ bình an tại trước mặt Đức Chúa Trời” (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Đa-vít và dân Y-sơ-ra-ên thực hiện được điều gì? Tâm trạng của họ ra sao khi làm được điều này? Vì sao Vua Đa-vít dâng của lễ thiêu và bình an? Mối liên hệ giữa bạn và Đức Chúa Trời hiện nay ra sao?

Cuối cùng thì sau bao chuẩn bị, nỗ lực và lo lắng, Hòm Giao Ước, biểu tượng của sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài đã được đem về thành Đa-vít. Đã bao năm, Hòm của Chúa bị bỏ quên dưới thời Vua Sau-lơ, nhưng nay tâm nguyện của Vua Đa-vít là đem được Hòm về Giê-ru-sa-lem, để sự hiện diện của Chúa trở thành trọng tâm trong đời sống của ông và của cả Y-sơ-ra-ên trở thành hiện thực.

Vua Đa-vít đã dâng của lễ thiêu, là của lễ mà cả con sinh đặt trên lửa và thiêu cháy hoàn toàn, tượng trưng cho sự tận hiến hoàn toàn, đầu phục tuyệt đối, và kết quả của hai điều này là vâng lời trọn vẹn. Ông cũng dâng của lễ bình an hay còn được gọi là của lễ hòa bình, nói lên mối liên hệ hòa bình với Đức Chúa Trời, sự vui mừng, hạnh phúc mà người có sự hòa bình với Chúa được hưởng. Của lễ hòa bình nhằm bày tỏ lòng biết ơn, sự vui mừng vì mối quan hệ hòa bình mình có được với Đức Chúa Trời được Ngài chấp nhận. Sau đó, Vua Đa-vít nhân Danh Đức Giê-hô-va chúc phước cho dân chúng vì Ngài chính là nguồn phước và ông cũng muốn cầu xin Ngài ban phước cho dân Ngài. Ông phân phát cho mọi người, cả nam và nữ, mỗi người một phần ăn, và đó cũng là tượng trưng cho ơn phước dẫy đầy của Chúa ban cho dân chúng.

Khi để sự hiện diện của Chúa trở thành trọng tâm trong đời sống của mình thì chúng ta cũng phải dâng lên Ngài của lễ thiêu của sự vâng phục hoàn toàn và của lễ bình an của sự tôn vinh, cảm tạ và biết ơn Chúa. Hai của lễ này không thể thiếu trong đời sống của người xem Chúa là trọng tâm trong đời sống. Sự vâng phục và sự cảm tạ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chỉ khi thật sự vâng phục Chúa thì ta mới thỏa lòng với chương trình và thời điểm của Ngài, tức là những gì Ngài cho phép xảy ra trong thời điểm hiện tại của mình. Khi đó ta mới có được một đời sống tràn ngập lời chúc tụng và cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Chúa sẽ vui lòng khi chúng ta dâng cho Ngài hai của lễ này. Khi ấy chúng ta cũng phải xét xem mình có thiếu vâng phục trong lĩnh vực nào và đời sống của mình có sự cảm tạ, vui mừng và biết ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh không? Như vậy, chúng ta mới kinh nghiệm được sự ban phước dư dật của Đức Chúa Trời trên đời sống mình.

Bạn có vui mừng, cảm tạ và đầu phục Chúa trọn vẹn chưa?

Lạy Chúa, xin cho con có sự thỏa lòng, vui mừng, cảm tạ trong mọi hoàn cảnh để sống đời sống đầu phục Ngài trọn vẹn và kinh nghiệm được ơn phước dẫy đầy của Ngài trong đời sống mình.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sử Ký 29.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcBầu Cử Tân Ban Đại Diện Tin Lành TP.HCM
Bài tiếp theoKết Nối Cộng Đồng Thông Qua Những Hệ Thống Lọc Nước