* Tiến Sĩ George Alexander, Ph. D., là giáo sư cộng tác và là Trưởng Phân Khoa Truyền Giáo và Mục Vụ Liên Văn Hóa tại Đại Học Biola.
* Về Tiến sĩ R. Albert Mohler Jr. Tiến sĩ R. Albert Mohler Jr. là Viện trưởng Đại Chủng viện Thần học Báp Tít Nam Phương (Southern Baptist Theological Seminary) – trường thần học hàng đầu của Báp Tít Nam Phương Hoa Kỳ và là một trong những chủng viện lớn nhất thế giới. Tiến sĩ Mohler được các ấn phẩm nổi tiếng như Time và Christianity Today công nhận là một lãnh tụ của các nhà truyền giảng phúc âm tại Mỹ. Time.com gọi ông là “nhà trí thức có ảnh hưởng lớn của phong trào truyền giảng phúc âm tại Hoa Kỳ.” Tờ Chicago Tribune gọi ông là “tiếng nói của Cơ Đốc giáo bảo thủ nói chung, sứ mạng của Tiến sĩ Mohler là đề cập các vấn đề đương thời theo thế giới quan Cơ Đốc rõ ràng và nhất quán. Vốn là người viết nhiều cột báo và bài bình luận, Tiến sĩ Mohler có nhiều lời được trích dẫn trong các báo hàng đầu của Hoa Kỳ, bao gồm The New York Times, The Wall Street Journal, USA Today, The Washington Post, The Atlanta Journal/Constitution và The Dallas Morning News. Ông cũng xuất hiện trong các chương trình tin tức quốc gia như CNN’s “Larry King Live,” NBC’s “Today Show” và “Dateline NBC,” ABC’s “Good Morning America,” “The NewsHour with Jim Lehrer” on PBS, MSNBC’s “Scarborough Country” và Fox’s “The O’Reilly Factor.” Tiến sĩ Mohler là nhà thần học và mục sư từng phục vụ trong một số Hội Thánh Báp Tít Nam Phương tại Hoa Kỳ.
CƠ ĐỐC NHÂN BIẾT GÌ VỀ YOGA
Gần đây, yoga là môn thể dục thịnh hành. Các bác sĩ, chính trị gia, giới nghệ sĩ và đặc biệt là giới văn phòng ca ngợi ích lợi của yoga đối với sức khỏe. Các lớp yoga mở tại các phòng tập thể dục, trường học và thậm chí ở một số nhà thờ nữa. Để biết thêm về môn yoya, Tập San Biola Connections phỏng vấn Tiến sĩ George Alexander, từng trưởng dưỡng tại Ấn Độ là nơi phát sinh thuật yoga, ông là giáo sư môn Tôn Giáo Thế Giới tại Đại Học Biola. Sau đây là những điều ông trình bày.
Yoga là gì? Hầu hết người phương Tây tưởng rằng yoga chỉ là một phương pháp giúp duy trì một thân thể khỏe đẹp được du nhập từ nước ngoài, nhưng thật ra trong yoga còn có nhiều điều khác nữa. Yoga là một pháp môn trong Ấn Độ giáo, nhằm đạt đến tình trạng giải phóng bản ngã và kết hợp với Đại Ngã (Atman hay Thực Tại Tối Thượng) qua nỗ lực tập trung tinh thần cao độ, tham thiền sâu lắng và quán định. Từ “yoga” có nghĩa là kết hợp với Thượng Đế. Ngày nay, yoga được biết đến rất nhiều trong thế giới Tây Phương cùng với những yếu tố khác trong Phong Trào Thời Đại Mới (New Age). Hầu hết mọi người không biết rằng New Age chính là triết lý Ấn Độ giáo bọc sô-cô-la dành cho phương Tây.
So sánh những lời dạy trong thuật yoga với Kinh Thánh Một trong những nguyên tắc nền tảng của Ấn Độ giáo là chủ nghĩa phiếm thần – cho rằng con người là sự tiếp nối của Thượng Đế. Cho nên, nếu cứ luyện yoga, một ngày kia bạn sẽ nhận ra chính mình là Thượng Đế. Nhưng theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, còn con người chỉ là tạo vật. Dù Kinh Thánh dạy rằng chúng ta có thể được kéo đến gần Đức Chúa Trời nhưng không hề nói rằng chúng ta có thể trở thành Đức Chúa Trời nhờ tập luyện một phương pháp tâm linh nào. Trong Ấn Độ giáo hay trong triết lý yoga không hề có một khái niệm nào về tội lỗi, mà chỉ nói đến sự thiếu hiểu biết của con người. Khi ngu dốt bạn không cần sự cứu rỗi, nhưng chỉ có một nhận thức rằng chính mình là Đức Chúa Trời. Số người đến với Yoga càng ngày càng đông cùng rất nhiều tài liệu, thông tin quảng bá, tuyên truyền cho hình thức này.
Mối quan tâm của bạn về yoga là gì? Các lớp dạy yoga thường rất nhập nhằng. Khi bạn muốn biết thêm chi tiết liên quan đến lớp yoga, thầy dạy yoga – gọi là yogi, sẽ trả lời rằng tập yoga rất tốt, giúp cho máu huyết lưu thông, giảm căng thẳng và vài điều khác nữa. Thông thường, thầy dạy yoga không chỉ biết có thế mà biết nhiều hơn rất nhiều những gì sẽ dạy bạn buổi đầu. Trong yoga có nhiều đẳng cấp khác nhau. Cấp một chỉ có vài điều căn bản. Người dạy chỉ thị cho bạn phải ngồi thẳng lưng, hai tay để lên đùi, hít vào thật sâu và thở ra giãn xả. Cấp hai, họ dạy bạn làm cho tâm trí trống không và đọc bài thần chú “Om”– Ðây là một từ ca tụng thánh thần trong Ấn Độ giáo. Ở cấp ba và bốn, bạn sẽ được tập một vài tư thế khác nhau như của loài rắn. Mỗi cấp sẽ đưa bạn đi càng ngày càng sâu hơn. Những yogi thứ thiệt còn có quyền lực siêu nhiên không phải đến từ Chúa Giê-xu nhưng từ nguồn khác. Tôi đã từng thấy họ tự nâng bổng lên, hoặc tự chôn sống trong nhiều ngày, bước đi qua lửa và biến hóa đồ vật. (Xin xem video, phim Hindu Asthetics). Đúng như Kinh Thánh đã cảnh giác chúng ta rằng ma quỉ có thể làm được phép lạ. Nhưng mục tiêu cuối cùng của ma quỉ là hủy phá con người và các yogi này thường bị mất trí, điên loạn vào những năm cuối đời. Yoga sẽ đưa bạn từng bước vào thế giới của sự thờ phượng thần bí mà bạn không hay biết…
Tín hữu Cơ Đốc có thể tập yoga nếu pháp môn này không liên hệ với Ấn Độ giáo không? Trước hết, tôi xác định rằng thân thể khỏe mạnh rất quan trọng và chúng ta làm sáng danh Chúa khi có thân thể khỏe mạnh. Kinh Thánh dạy rằng thân thể chúng ta là đền thờ của Chúa. Cá nhân tôi cũng thích tập thể thao, thích giãn xả, thích hít thở cho đúng cách, thích đến các trung tâm tập thể dục. Là Cơ Đốc nhân chúng ta có thể tập thể dục bất cứ cách nào, nhưng tại sao lại phải tham dự vào việc tập yoga? Trong quan điểm của tôi, người tập yoga là người mở ngỏ tâm trí mình cho ma quỉ áp chế, dù ý thức hay không. Tôi quen nhiều tín hữu tập yoga cho biết rằng họ thường thấy ác mộng, thấy ma quỉ xuất hiện trong bản chất rất ghê rợn. Là người phương Tây và là người tín hữu phương Tây, chúng ta đôi khi rất ngây thơ. Chúng ta đã quá vội vàng chạy theo yoga khi chưa kịp hiểu biết về hiểm họa của nó. Câu hỏi của tôi cho những tín hữu tập yoga là: “Tại sao chỉ vì muốn cho thân thể khỏe mạnh mà bạn lại phải đứng chung với một triết lý tôn giáo trái ngược với đức tin Cơ Đốc của mình?” TIẾN SĨ GEORGE ALEXANDER, PH. D. Báo Thông Công, Giáo hạt truyền giáo Hoa Kỳ Thy Hương chuyển ngữ Lời Kinh Thánh cũng đã cho chúng ta biết rất rõ, “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa. Chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm nhưng thà quở trách chúng nó thì hơn.” (Ê-phê-sô 5:10, 11)
CƠ ĐỐC NHÂN CÓ NÊN TẬP YOGA KHÔNG? Trích bài viết của Tiến sĩ R. Albert Mohler Jr.
Stefanie Syman, với tác phẩm được xuất bản gần đây, The Subtle Body: The Story of Yoga in America (Thân Thể Tinh Tế: Câu Chuyện về Yoga tại Mỹ), là một tác giả có khả năng thu hút người đọc, cũng là người gắn bó với yoga trong mười lăm năm qua. Theo lời bà: “… Tuy yoga không có truyền thống rõ ràng từ Ấn Độ, nhưng được hàng ngàn lãnh tụ tinh thần Ấn giáo cùng hàng trăm dòng họ duy trì, trong số đó ai cũng cho rằng mình là đích thực. Chúng ta đã cố gắng biến hỗn hợp đó thành một: một phương cách giúp duy trì sức khỏe và thư giãn.” Trong tác phẩm của mình, Syman kể câu chuyện hấp dẫn về cách yoga biến đổi trong tâm trí người Mỹ, từ một thói quen ngoại lai và “thậm chí ngoại đạo” thành một thực tại văn hóa được hâm mộ và thực hành rộng rãi. Khi kể câu chuyện này, Syman chứng minh mối liên hệ giữa yoga với các nhóm hoặc phong trào như phái Siêu Nghiệm [Transcendentalists] và Suy Tư Mới [New Thought] — những phong trào tìm cách cung ứng một nhận thức thuộc linh có thể thay thế Cơ Đốc giáo của Thánh Kinh. Syman mô tả yoga là một hoạt động đa dạng, nhưng bà nói rõ, không thể hoàn toàn tách yoga khỏi nguồn gốc tâm linh từ Ấn giáo và Phật giáo. Bà cũng thẳng thắn giải thích vai trò của sức mạnh tình dục trong mọi dạng yoga và nghi thức hóa tình dục trong vài truyền thống yoga. Bà cũng giải thích rằng yoga “là một trong những sản phẩm đầu tiên và thành công nhất của sự toàn cầu hóa, và là dấu hiệu báo trước một đất nước thực sự ở trong thời kỳ Cơ Đốc Giáo suy thoái, và có nhiều tiếng nói (xu hướng) tâm linh.” Ở mức độ đáng kinh ngạc, việc chấp nhận yoga càng tăng cho thấy sự thối lui của niềm tin Cơ Đốc theo Kinh Thánh khỏi nền văn hóa.
Yoga bắt đầu và kết thúc với một sự hiểu biết về cơ thể, nói một cách nhẹ nhàng nhất, là xung khắc, với nhận thức Cơ Đốc. Cơ Đốc nhân không được kêu gọi làm cho tâm trí trống rỗng, hoặc xem cơ thể con người là phương tiện kết nối và tìm biết thế giới tâm linh. Tín nhân được kêu gọi suy gẫm Lời Đức Chúa Trời — Lời từ bên ngoài, đến với chúng ta nhờ sự mặc khải thiên thượng — chứ không phải suy gẫm qua phương tiện là những âm tiết không thể hiểu nổi. Tuy nhiên, một số đông Cơ Đốc nhân Mỹ hoặc đang thực nghiệm yoga, hoặc trở thành người ủng hộ một phương pháp tập luyện yoga nào đó. Hầu hết họ không biết rằng yoga không thể tách rời thành những chiều kích thuộc thể và thuộc linh rõ rệt được. Cái thuộc thể là thuộc linh trong yoga, và những bài luyện tập cùng kỷ luật trong yoga là nhằm kết nối với thế giới tâm linh. Douglas R. Groothuis, Giáo sư Triết học tại Chủng Viện Denver và là chuyên gia được nể trọng về Phong trào Thời đại Mới [New Age Movement], cảnh báo Cơ Đốc nhân rằng yoga không chỉ liên quan đến việc tập luyện cơ thể hoặc sức khỏe. “Mọi dạng yoga đều bao gồm những giả định mang tính huyền bí, bao gồm cả hatha yoga, vốn thường được nêu như chỉ là một kỷ luật cơ thể.” Tuy hầu hết người ủng hộ yoga đều tránh những dạng tình dục nghi thức hóa mang tính ngoại lai cao, gọi là tantric yoga, nhưng thực sự mọi dạng yoga đều nhấn mạnh việc vận chuyển năng lượng tình dục ra khắp cơ thể như một phương tiện khai sáng cho tâm linh. Khi Cơ Đốc nhân thực hành yoga, hoặc họ đang cố tình chối bỏ bản chất thực sự của yoga, hoặc họ không nhìn thấy những mâu thuẫn giữa sự cam kết Cơ Đốc và việc theo đuổi yoga. Những mâu thuẫn này không phải là ít, cũng không phải là không quan trọng. Sự thật rõ ràng là, yoga là một kỷ luật tâm linh qua đó người theo đuổi luyện tập sử dụng cơ thể làm phương tiện để đạt tới sự nhận thức về thế giới tâm linh. Cơ Đốc nhân được kêu gọi trông đợi Đấng Christ ban cho mọi điều chúng ta có cần, và vâng phục Đấng Christ qua việc làm theo Lời Ngài. Chúng ta không được kêu gọi thoát ra ngoài nhận thức về thế giới này bằng cách vươn lên trạng thái nhận thức nâng cao, mà phải theo Đấng Christ bằng con đường trung tín. Sự tập luyện thuộc thể khộng có gì là sai, và các tư thế trong yoga tự thân chúng cũng chẳng phải là vấn đề chính. Nhưng các tư thế này dạy những dáng điệu có mục đích tâm linh. Hãy suy nghĩ điều này — nếu bạn phải tập trung suy gẫm tối đa để đạt tới hoặc duy trì một dáng điệu thuộc thể, thì đó không còn chỉ là tư thế thuộc thể nữa. Chấp nhận yoga là dấu hiệu sự hoang mang thuộc linh trong thời kỳ hậu hiện đại của chúng ta, và, điều hổ thẹn là sự hoang mang này đang len lỏi vào hội thánh. Stefanie Syman cho chúng ta biết một điều quan trọng khi bà viết rằng yoga là “dấu hiệu báo trước một đất nước thực sự ở trong thời kỳ Cơ Đốc Giáo suy thoái, và có nhiều tiếng nói (xu hướng) tâm linh.” Cơ Đốc nhân thực hành yoga là đang chấp nhận, hay ít ra, đang đùa giỡn với một thói quen thuộc linh đe dọa làm biến đổi nếp sống thuộc linh của họ thành một tình trạng “suy thoái niềm tin Cơ Đốc và pha tạp nhiều xu hướng tâm linh.” Có Cơ Đốc nhân nào sẵn sàng liều lĩnh làm điều đó không?