Ma-thi-ơ 6:9-13
9 Vậy, các ngươi hãy cầu như vầy:
Lạy Cha chúng tôi ở trên trời;
Danh Cha được thánh;
10 Nước Cha được đến;
Ý Cha được nên, ở đất như trời!
11 Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;
12 Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;
13 Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!
(Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.)
Câu gốc: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” (câu 9b).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu dạy chúng ta dùng danh xưng nào của Đức Chúa Trời khi cầu nguyện? Ngài đang ở đâu? Điều này cho chúng ta biết gì về Đức Chúa Trời và trách nhiệm của chúng ta với Ngài? Ai là người dâng lời cầu nguyện? Từ đây, bạn nhận ra sự hiệp một trong Hội Thánh đóng vai trò nào trong sự thờ phượng?
Ma-thi-ơ 6:9-13 được biết đến với tên gọi là Bài Cầu Nguyện của Môn Đệ, hay Bài Cầu Nguyện của Chúa, hay phổ biến nhất là Bài Cầu Nguyện Chung. Bài Cầu Nguyện này nằm trong loạt Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 5-7) nhằm thay đổi lối suy nghĩ lệch lạc của người Do Thái lúc bấy giờ, đặc biệt là phương diện thờ phượng. Do đó, khi đến với Bài Cầu Nguyện Chung, chúng ta sẽ học biết những nguyên tắc quan trọng về sự thờ phượng Đức Chúa Trời.
Chúa Giê-xu bắt đầu Bài Cầu Nguyện bằng danh xưng “Cha”. Đức Chúa Trời phải là khởi đầu, là căn nguyên, là lý do mà chúng ta thờ phượng. Bên cạnh đó, khi nói đến “Cha” là nói đến mối liên hệ gia đình và yêu thương. Do đó, cầu nguyện khác nào sinh hoạt của gia đình, hoàn toàn tự nhiên trong mối liên hệ Cha-con. Nói cách khác, đã là con Chúa thì phải cầu nguyện với Ngài. Nếu Chúa đã là Cha yêu thương thì không có gì phải lo lắng, sợ hãi, hay giấu giếm khi đến với Ngài. Khi xưng Đức Chúa Trời là “Cha,” thì cũng nói đến bổn phận vâng lời của con cái. Nếu Chúa đã là Cha và chúng ta là con cái Ngài thì chúng ta có bổn phận phải vâng lời Ngài. Mỗi khi cầu nguyện “Lạy Cha…” thì chúng ta phải xét xem còn điều gì mình chưa vâng lời Chúa. Hơn thế nữa, vì chúng ta có “Cha” là Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhận ra vai trò và giá trị của mình. Là con của Chúa, chúng ta có một giá trị cao quý, giá trị này không đến từ của cải, địa vị, hay học thức, và chúng ta cũng có một sứ mệnh cao trọng để hoàn thành (Ma-thi-ơ 28:18-20).
“Cha” mà chúng ta cầu nguyện và thờ phượng đang “ở trên trời”, Ngài là Đấng đang tể trị trên mọi sự, có quyền năng trổi hơn muôn loài vạn vật, không gì có thể giới hạn được Ngài. Nếu con cái cần phải tôn kính cha trên đất thì lại càng phải tôn kính Cha trên trời gấp bội phần, và phải đến với Chúa cách khiêm cung, hạ mình, và thành thật.
Đức Chúa Trời là “Cha” của “chúng tôi”, không phải chỉ là của tôi. Cầu nguyện đặt chúng ta trong mối liên hệ với những người con khác của Chúa, những anh chị em trong cộng đồng đức tin. Khi cầu nguyện, chúng ta ý thức rằng mình thuộc về Chúa và cũng thuộc về nhau nữa. Sự thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời là thờ phượng trong sự hiệp một và tình yêu thương với anh chị em trong Chúa.
Khi cầu nguyện chung, bạn hiệp một với anh chị em trong sự thờ phượng Chúa không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã cứu con, ban cho con đặc ân trở nên con của Đức Chúa Trời và đem con vào gia đình Ngài. Xin cho con yêu Chúa, yêu anh chị em mình và cùng nhau dâng lên Chúa sự thờ phượng đẹp lòng Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sử Ký 29.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org