Ma-thi-ơ 3:13-17
13 Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-têm. 14 Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-têm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: 15 Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài. 16 Vừa khi chịu phép báp-têm rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. 17 Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.
Câu gốc: “Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép Báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:4).
Câu hỏi suy ngẫm: Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã hiệp một trong lễ Báp-têm của Chúa Giê-xu ra sao? Bước ngoặt của Báp-têm là gì? Bước ngoặt đó thay đổi nếp sống người theo Chúa như thế nào?
Sau ba mươi năm sống với gia đình, Chúa Giê-xu đã đến với ông Giăng Báp-tít tại sông Giô-đanh để chịu Báp-têm, với mục đích để “làm cho trọn mọi việc công bình,” đó là làm những việc theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi vừa ra khỏi nước, Chúa Giê-xu thấy các tầng trời mở ra và Thánh Linh ngự xuống có hình dạng như chim bồ câu đậu trên Ngài. Rồi Ngài nghe tiếng nói êm dịu của Đức Chúa Cha phán rằng, “Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng.” Sự khải thị này cho thấy Ba Ngôi Đức Chúa Trời bởi tình yêu thương thế gian đã hiệp một và đồng công với nhau trong chương trình cứu rỗi nhân loại được thể hiện qua sứ mệnh trên đất của Chúa Giê-xu để mọi người được cứu. Nhờ đó, những người tội lỗi khi tin vào sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu thì được sự tha tội bởi dòng huyết Ngài, được sự ở cùng của Chúa Thánh Linh, được làm “con yêu dấu” của Đức Chúa Cha. Từ đó, người tin Chúa có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời bởi vâng theo sự dạy dỗ, tấm gương của Chúa Giê-xu, nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Linh.
Sự hiện diện của Ba Ngôi Đức Chúa Trời quan trọng thế nào khi Chúa Giê-xu chịu Báp-têm thì cũng quan trọng thể ấy trong thánh lễ Báp-têm ngày nay. Bước ngoặt của lễ Báp-têm chính là sự ấn chứng của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong thánh lễ. Điều này nhắc nhở và giúp đỡ con dân Chúa sống đúng với mục đích Chúa muốn trên cuộc đời mình, đó là chúng ta kể như đồng chết, đồng chôn con người cũ với Chúa; và bắt đầu từ nay đồng sống lại bằng con người mới với Chúa, chứ không phải chỉ nhận Báp-têm như một nghi thức của giáo hội mà thôi. Thánh lễ Báp-têm là bước ngoặt của cuộc đời người theo Chúa, giúp chúng ta nhờ Lời Chúa đổi mới từng ngày để mỗi ngày được giống Chúa hơn (Rô-ma 6:4).
Chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời Ba Ngôi vì tình yêu của Ngài, vì sự cứu rỗi mà Ngài đã dành cho chính mình. Là những người đã tin Chúa và đã được Báp-têm trong danh Ba Ngôi Đức Chúa Trời, xin đừng ai mải mê trên con đường riêng, làm theo ý muốn riêng của mình. Mỗi chúng ta hãy xem xét lại đời sống đã rẽ sang bước ngoặt mới sau Báp-têm chưa, có nghĩa là thật sự bước vào con đường làm theo ý Cha, phục vụ Chúa và tha nhân theo ý muốn của Cha dành cho đời sống của mình, để cũng được Đức Chúa Trời đẹp lòng mà phán rằng “này là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng.”
Nếp sống mới của bạn khác với khi chưa công bố lời mời Chúa làm Chủ đời sống và nhận thánh lễ Báp-têm như thế nào?
Lạy Chúa, xin cho con thật sự sống cuộc sống mới, khác với trước khi tiếp nhận Chúa và nhận Báp-têm; để con hầu việc Chúa và tha nhân theo ý muốn của Ngài, được đẹp lòng Ngài luôn.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 6.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org