Bài thứ 79: Sức Mạnh Của Lời Nói

1082

Đọc Ê-phê-sô 4:17-32

Câu căn bản: Chớ có một lời độc ác nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói những lời tốt đẹp, có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe. (câu 29).

 

 

Suy niệm:  Đông phương có câu: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” nghĩa là “một lời đã nói ra, bốn con ngựa đuổi theo cũng không kịp”.  Ta cũng có câu: “Xẩy chân còn đỡ, lỡ miệng khó chữa”.  Đó là những cau răn dạy phải cẩn thận khi tuyên bố một lời trước mặt người khác.

 

Sứ đồ Phao-lô thực tế hơn, căn dặn con dân Chúa phải cẩn thận trong lời nói, vì lời ta nói ra nếu không suy nghĩ mà chỉ theo cảm ứng, có thể độc hại cho người nghe.  Ông dạy: con dân Chúa phải nói những lời tốt lành, không tác hại, nhưng có tính xây dựng, người nghe cảm thấy như được chúc lành vậy.

 

Sứ đồ Gia-cơ còn dạy: Thưa anh em yêu dấu của tôi, anh em phải biết điều này: mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận, vì cơn giận của loài người không thực hiện sự công chính của Đức Chúa Trời.  Vậy hãy loại bỏ mọi điều ô uế và gian ác đang lan tràn, lấy lòng nhu mì tiếp nhận lời đã trồng trong anh em là lời có thể cứu chuộc linh hồn anh em.  (Gia-cơ 1:19-21).

Hôm nay khi vào đời, bạn sẽ gặp gỡ nhiều người.  Có người cần xây dựng hay khuyến khích hoặc an ủi, xin đừng ngại, hãy nói những lời tốt lành, xây dựng và hữu ích.  Tốt nhất là dùng lời Chúa trong Kinh Thánh, vì đó là những lời có sức mạnh.  Vì lời Chúa là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tuỷ, phán đóan các tư tưởng và ý định trong lòng  (Hê-bơ-rơ 4:12).  Nhưng nếu muốn trích dẫn lời Chúa khi nói chuyện hay gia thiệp với người khác thì bạn phải chuẩn bị, phải học thuộc lòng những câu Kinh Thánh hay, và thường xuyên ôn lại.   Có như thế thì lời Chúa mới trở thành quen thuộc, dễ dùng và linh hoạt được.  Mỗi ngày qua trang này đều có một câu căn bản để độc giả suy niệm, chúng tôi ước mong bạn sẽ đọc đi đọc lại câu căn bản cho đến khi thuộc và nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ngày.   Khi hữu dụng, bạn có thể dùng một cách dễ dàng và hữu ích cho người nghe.

 

Bài trướcV/v Truyền Hình Trực Tuyến Chương Trình Thánh Nhạc Truyền Giảng Phục Sinh Năm 2013 – Tp. HCM.
Bài tiếp theoCàng Biết Chúa Hơn: Bài 32