Người nào không chế ngự lòng mình, khác nào một cái thành đổ nát, không tường lũy.
Châm-ngôn 25:28.
Nước mắt hay cơn giận? Cái đó phụ thuộc vào giới tính. Phụ nữ hay khóc còn nam giới hay nổi giận! Đó là hai cách biểu lộ tình cảm khác nhau nhưng đều có chỗ đứng trong đời sống. Một dòng sông êm ả đem nước trong lành đến cho đất khô hạn và những con người khao khát, nhưng khi không được kiềm chế, con sông nào cũng có thể gây ngập lụt, úng thủy tàn phá và chết chóc!!
Trẻ thơ nhanh chóng học biết cách biểu lộ những xúc cảm của chúng gây ra phiền phức cho cha mẹ chúng. Đứa trẻ biết rằng hễ dùng nước mắt hay cơn giận là người lớn phải chiều chúng, thế rồi biết rằng hễ khóc hay giận là được cho kẹo bánh, đứa bé lớn lên cũng theo kiểu gây áp lực đó mà đòi những thứ khác.
Người lớn thì không dùng nước mắt hay cơn giận để được những gì mình muốn nữa, nhưng dùng mánh mung. Thông thường người ta gọi là vận động. Tuy nhiên cái gì cũng có giá phải trả cả.
Châm-ngôn có câu:
Người chận giận thắng hơn dũng sĩ, và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành.
(Châm-ngôn 16:32).
Sau đó lại có câu:
Người nào không chế ngự lòng mình khác nào một cái thành đổ nát không tường lũy.
(Châm-ngôn 25:28).
Hai câu này có hai chữ cần lưu ý, đó là cai trị và chế ngự.
Ta có thể áp dụng những câu châm ngôn này như sau:
1. Ý thức rằng mình đang vận động hay mánh mung để đạt đến điều mình muốn. Như vậy là không chính đáng và ích kỷ.
2. Hãy thực tập kỷ luật bằng cách lý luận và chế ngự lòng tham của mình, vì ta phải sống hiền hoà tốt lành với mọi người, không nên chỉ nghĩ đến lợi của mình mà quên lợi của người quanh mình nữa. Như vậy là cách đối xử của người trưởng thành.