Bà Góa Sa-rép-ta.

    2729

    CÁCH ĐƯƠNG ĐẦU VỚI GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN

     

    Khi còn bé, điều lý thú đối với tôi trong mỗi câu chuyện cổ tích là dòng chữ cuối cùng sau khi vị hoàng tử đẹp trai đã giải cứu được nàng công chúa xinh đẹp và hình ảnh hai người trên lưng ngựa mờ dần đi trong ánh chiều tà.  Những câu chuyện này luôn luôn chấm dứt với cùng một câu kết: “Và họ sống với nhau hạnh phúc mãi mãi.”

     

    Hầu hết chúng ta, nếu trung thật với nhau, đều cầu mong có một câu chuyện lãng mạn với kết cuộc giống như vậy.  Và có lẽ điều đó sẽ đúng với bạn.  Tuy nhiên, theo thống kê, với nhiều người trong chúng ta “hạnh phúc mãi mãi” sẽ chỉ là một câu chuyện cổ tích.

     

    Một nguyên nhân ấy là phụ nữ sống lâu hơn nam giới.  Theo thống kê, tuổi thọ trung bình của nam giới ở Hoa Kỳ là 71.1 trong khi tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 78.3.  Giai đoạn từ lứa tuổi nhi đồng cho đến lứa tuổi thanh niên, số lượng con trai đông hơn con gái, tuy nhiên, đến khoảng tuổi 24 tỷ lệ này bắt đầu cân bằng dần dần và nghiêng về chiều hướng ngược lại.  Xem xét dân số Hoa Kỳ năm 1984, chúng ta thấy hiện nay có khoảng 1.5 triệu cụ ông góa và 7.8 triệu cụ bà góa trên 65 tuổi.  Trong số các cư dân lớn tuổi trên 65, mỗi 100 cụ bà chỉ có 67 cụ ông.

     

    Tôi phải đối diện với thực tế là tôi có tỷ lệ rất cao sẽ sống lâu hơn nhà tôi.  Có thể những ngày cuối cùng tôi sẽ phải sống đời góa bụa.

     

    Một lý do khác khiến “hạnh phúc mãi mãi” có thể chẳng xảy ra cho một số người trong chúng ta là vì hết thảy những người phụ nữ kết hôn trong năm này, 50% ra tòa ly dị.  Chúng ta thảy đều có những người bạn phải chật vật kiếm sống, nuôi con, đóng thuế, sửa nhà, và đóng vai trò cả cha lẫn mẹ bởi vì cuộc hôn nhân của họ kết thúc bằng sự ly dị.

     

    Trong vài trường hợp, bạn chúng ta nhận được một cú sốc đột ngột vì người phụ nữ khác mà chồng cô lìa bỏ gia đình mình.  Trường hợp khác, bạn chúng ta cuối cùng cũng thu đủ can đảm để lìa bỏ người đàn ông lạm dụng thể chất và tinh thần.  Vì sự an toàn thể chất và sự tỉnh táo, minh mẫn của mình, cô phải rút lui ra khỏi cảnh trạng ấy.

     

    Người phụ nữ góa hoặc ly dị có cơ hội thế nào để tái giá và sống “hạnh phúc mãi mãi”?  Kết quả từ hai cuộc thăm dò cho thấy kết quả khác nhau.  Cuộc thăm dò đáng buồn nhất báo cáo rằng người phụ nữ ở lứa tuổi 30 ngày nay chỉ có 20% cơ hội lập gia đình hoặc tái giá.  Cuộc thăm dò có tính tích cự hơn cho biết rằng người phụ nữ 30 tuổi có 66% cơ hội lập gia đình hoặc tái giá.  Tuy nhiên, con số ấy giảm xuống 41% khi nàng tới tuổi 35, còn 23% khi tới tuổi 40, và 11 % ở tuổi 45.  Đối với một bà ngoại cỡ tuổi tôi thì tỷ lệ ấy hầu như là zéro.

     

    Nguyên nhân khiến các con số ấy tuột giảm xuống thì thật rõ ràng.  Đơn giản ấy là vì có nhiều phụ nữ trên thế giới hơn đàn ông.  Phụ nữ chúng ta chiếm 51.6% dân số thế giới.  Đàn ông chỉ chiếm 48.4%.  Ở Hoa Kỳ, số lượng phụ nữ đông hơn nam giới khoảng 5 triệu người.

     

    Hết thảy những điều này cảnh báo cho chúng ta rằng cơ may để “sống hạnh phúc mãi mãi” thì mỏng manh hơn nhiều người mong muốn.  Các bạn là những người đang sống một mình có thể có những lời khuyên xuất sắc cho chúng tôi là những ai còn đang vui hưởng cuộc hôn nhân tốt lành.

     

    Nhiều năm trước, tôi dạy một lớp Trường Chúa nhật cho phụ nữ mà phần lớn học viên là những người đã trải qua những cú sốc hoặc di chứng của ly dị.  Sự gắn bó sâu đậm nảy nở giữa vòng chúng tôi khi chúng tôi đã cùng khóc và cầu nguyện với nhau về những nỗi đau khổ mà hầu hết đã phải trải qua.  Tôi vẫn thường gặp các chị em phụ nữ trong nhóm ấy.  Joann, ly dị sống với hai con trai tuổi thiếu niên, phải chật vật để có đủ tiền mua thức ăn, quần áo và chỗ ở cho hai con bằng phần lợi tức ít ỏi của mình.  Khi nghĩ đến Joann, tôi nhớ lại người phụ nữ khác cũng một thân một mình chật vật để chăm sóc con mình. Câu chuyện của nàng được ghi lại trong sách 1 Vua 17.

     

    Để tôi phác họa lại bối cảnh để bạn có thể hiểu được thời đại mà người phụ nữ ấy sống và gần chết trong đó thì khó khăn thể nào.  Nếu quen thuộc với lịch sử Isơraên, bạn biết rằng sau khi Môise qua đời, Giô-suê dẫn đưa dân sự của Đức Chúa Trời vào chiếm xứ Ca-na-an.  Mặc dù đã nhìn thấy Chúa hành động vì cớ họ, ban cho họ xứ sở ấy qua nhiều phép lạ, họ vẫn nhanh chóng lìa bỏ Đức Chúa Trời mà tập tành lề thói vô đạo của các dân tộc chung quanh. Đôi khi những người lãnh đạo tin kính Chúa như Đê-bô-ra hoặc Sa-mu-ên xuất hiện và đưa lương tâm con người trở lại với Đức Chúa Trời của họ.  Tuy nhiên, hầu hết thời gian, con người xa rời Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Isơraên.

     

    Thế rồi hai vị vua vĩ đại nhất của Isơraên đã xuất hiện – Đa-vít và Sa-lô-môn.  Dưới sự lãnh đạo của họ, quốc gia mở mang, trở nên giàu có và hùng mạnh.  Tuy nhiên, sau khi Sa-lô-môn qua đời, các chi phái chia rẽ thành hai quốc gia: Isơraên ở phía bắc và Giu-đa ở phía nam.  Đặc biệt ở phía bắc, người ta nhanh chóng lìa bỏ sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, Chúa của Isơraên mà quay ra thờ phượng các thần tượng ngoại bang.

     

    Câu chuyện của chúng ta bắt đầu trong thời trị vì của một vị vua ở phía bắc tên là Aháp.  Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “Aháp, con trai của Ô-ri, làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va hơn hết thảy các người tiền bối mình” (1Vua 16:30).  Chúng ta được biết Aháp cưới một công chúa ngoại quốc tên là Giê-sa-bên, người giới thiệu việc thờ lạy thần Ba-anh cho dân Isơraên.  Aháp cũng dựng tượng thần Át-tạt-tê khiến tác giả Kinh Thánh phải kết luận rằng: “Aháp … chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Isơraên hơn các vua Isơraên trước mình” (c.33).

     

    Đến 1Vua đoạn 17, chúng ta gặp một trong những nhân vật đặc biệt nhất của Kinh Thánh, Ê-li người Thi-sê-be đến ở phía đông sông Giô-đanh thuộc miền Ga-la-át. Ê-li là một tiên tri.  Lần đầu tiên chúng ta nghe đến ông khi ông báo một lời tiên tri đến vua gian ác Aháp:

     

    “Ta đứng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Isơraên hằng sống mà thề rằng: Mấy năm về sau đây, nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa” (1Vua 17:1).

     

    Thứ nhất, Kinh Thánh chẳng hề cho chúng ta biết cách nào Ê-li lọt vào được hoàng cung Sa-ma-ri, hoặc nhà vua đã nói gì khi nghe những lời của Ê-li, hoặc Giê-sa-bên có mặt ở đó chăng.  Chúng ta biết được lời tiên tri của Ê-li.  Kế, chúng ta bám sát nhà tiên tri khi ông làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời mà rời khỏi chỗ đó ngay, đến một nơi ẩn náu ở phía đông sông Giô-đanh, bên khe nước Kê-rít. Ông ở đó trong một vùng trũng, rập rạp khi cơn hạn hán bắt đầu.  Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời chăm sóc nhà tiên tri bằng cách sai chim quạ mang bánh và thịt đến cho ông mỗi sáng và tối.  Ông sống sót nhờ uống nước từ khe Kê-rít cho đến khi “khe bị khô vì trong xứ không có mưa” (c.7).

     

    Làm thế nào bây giờ?  Chim quạ sẽ bắt đầu mang theo nước đến cho Ê-li chăng?   Không.  Chúa có một chương trình khác. Ở câu 9 chúng ta thấy mạng lệnh của Ngài cho Ê-li:

     

    “ Hãy chổi dậy, đi đến Sa-rép-ta, thành thuộc về Si-đôn, và ở tại đó; kìa, ta đã truyền cho một người góa bụa ở thành ấy lo nuôi ngươi.”

     

    Thật là một mạng lệnh kỳ lạ  từ nơi Đức Chúa Trời!  Đi đến Sa-rép-ta thuộc thành Si-đôn?  Sa-rép-ta là một ngôi làng ở sát bên thành phố lớn Si-đôn.  Ấy là ngoại ô của Si-đôn, quê của Giê-sa-bên.  Ê-li đang ẩn náu ở phía đông sông Giô-đanh, trong một vùng trũng rậm rạp không thể xâm nhập để tránh cơn thạnh nộ của Aháp và Giê-sa-bên.  Việc tiến vào lãnh địa của Aháp và sống gần quê của Giê-sa-bên dường như là rất mạo hiểm.  Tuy nhiên, ấy là kế hoạch của Đức Chúa Trời cho Ê-li.

     

    Cũng lạ nữa khi Đức Chúa Trời hứa với Ê-li rằng một phụ nữ góa sẽ chăm sóc ông.  Một phụ nữ góa?  Làm cách nào một bà góa có thể chăm sóc vị tiên tri?

     

    Hiếm khi nào Đức Chúa Trời làm chỉ mỗi lần một việc.  Ngài không chỉ chăm sóc Ê-li.  Điều kế tiếp xảy ra với Ê-li cho thấy cách Đức Chúa Trời chăm sóc một bà góa khốn khó trong miền đất xa lạ.  Khi nhiều việc xảy ra trong đời sống chúng ta nhiều cách “chẳng ý nghĩa gì cả”, rất có thể ấy là vì chúng ta không hiểu rằng Đức Chúa Trời đương đan dệt nhiều điều phức tạp chẳng những trong đời sống chúng ta mà còn nơi đời sống của nhiều người khác nữa.

     

    Một trong những điều gây ấn tượng nơi Ê-li là ông đã thực hiện điều Đức Chúa Trời bảo ông làm.  Có vậy thôi.  Chúng ta chẳng thấy ông đôi co với Đức Chúa Trời hoặc vòng vo giết thời gian để hy vọng rằng Ngài sẽ thay đổi ý kiến và đưa ra một mạng lệnh hợp lý hơn.  Ê-li thực hiện theo lời Đức Chúa Trời ngay lập tức khi lời ấy đến với ông. Ông đi bộ hàng trăm dặm hướng về Sa-rép-ta.  Nếu A-háp và Giê-sa-bên treo giá cái đầu của ông, có lẽ ông đã đi bằng những con đường khuất ở trong thay vì qua đèo, hẻm núi cho thuận tiện.

     

    Cuối cùng chúng ta cũng gặp được người phụ nữ góa bụa, nghèo nàn, sống chật vật với đứa con trai nhỏ của mình khi Ê-li tiến đến gần làng Sa-rép-ta:

     

    “Khi đến cửa thành, người thấy một người đờn bà góa lượm củi, bèn kêu mà nói rằng: Ta xin ngươi hãy đi múc một chút nước trong bình để cho ta uống.” (1Vua 17:10)

     

    Một bà góa đang lượm củi.  Không tên tuổi.  Không chi tiết về tuổi tác, hiện mạo hoặc gia cảnh.  Chỉ là một bà góa đương lượm củi.

     

    Trong khi đang làm việc, hẳn bà đã giật mình khi một người đàn ông xa lạ gọi bà và hỏi xin một miếng nước uống.

     

    Chắc hẳn Ê-li rất khát nước và đói sau chuyến đi bộ dài từ phía đông sông Giô-đanh.  Nếu khe Kê-rít khô cạn thì những khe nước khác dọc theo đường đến Si-đôn cũng cạn khô.

     

    Xin hãy để ý thấy rằng Ê-li cũng phải chịu đựng cơn khô hạn nhiều bằng hoặc nhiều hơn mức độ vua gian ác Aháp chịu.  Người dân vô tội ở khắp xứ Ca-na-an cũng phải chịu khổ theo.  Chúng ta thường nghĩ rằng sự đau đớn, khốn khó chỉ đến với những kẻ gian ác, còn người tốt được chừa ra.  Không phải vậy đâu.  Chúng ta sống trong một thế giới sa ngã, một thế giới bị tội lỗi tàn hại.  Hết thảy chúng ta đều phải sống với những hệ quả của một thế giới sa ngã.  Hết thảy chúng ta đều phải kinh nghiệm những điều gian ác xảy ra vì những con người gian ác quyết định làm điều gian ác.  Ê-li phải chịu khổ sở, vất vả.  Bà góa phải khổ nhọc, vất vả.  Nhiều ngàn người khác phải chịu khổ sở bởi vì Aháp lìa bỏ Đức Chúa Trời của mình mà đem sự thờ phượng thần Ba-anh đến với dân Isơraên.

     

    Như vậy, chúng ta thấy một vị tiên tri, mệt nhọc, đói và khát hỏi xin một bà góa đang lượm củi giúp đỡ.

     

    “Làm ơn cho tôi xin một miếng nước uống.”

     

    Sau khi đưa cho ông nước uống, bà định quay đi thì ông lại nói tiếp: “Làm ơn cho tôi xin một miếng bánh để ăn.”

     

    Hãy xem vở kịch vén màn khi người phụ nữ góa vô danh của chúng ta lần đầu tiên lên tiếng trong câu 12:

     

    “Nàng đáp: Tôi chỉ mạng sống của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông mà thề, tôi không có bánh, chỉ có một nắm bột trong vò và một chút dầu trong bình; này tôi lượm hai khúc củi, đoạn về nấu dọn cho tôi và con trai tôi; khi ăn rồi, chúng tôi sẽ chết.”

     

    Ê-li!  Ông nghe bà ấy nói gì không?  Đừng hỏi xin người phụ nữ tội nghiệp này miếng bánh cuối cùng của bà!

     

    Ê-li, có lẽ ông hỏi xin nhầm bà góa rồi.  Có lẽ đây không phải là người mà Đức Chúa Trời ra lệnh nuôi ông đâu.  Làm thế nào được?  Bà ấy chẳng có gì cả!  Bà và con trai bà sẽ chết đói sau khi ăn miếng bánh cuối cùng mà bà sắp nướng đây.

     

    Hãy đọc câu trả lời của Ê-li trong câu 13 và 14:

     

    “Nhưng Ê-li tiếp rằng: Chớ sợ chi, hãy trở về, làm y như ngươi đã nói; song trước hãy dùng bột ấy làm cho ta một cái bánh nhỏ, rồi đem ra cho ta; kế sau ngươi sẽ làm cho ngươi và cho con trai ngươi.  Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Isơraên phán như vầy: Bột sẽ không hết trong vò, và dầu sẽ không thiếu trong bình, cho đến ngày Đức Giê-hô-va giáng mưa xuống đất.”

     

    Thật là một sự thử thách đức tin mà người phụ nữ góa này phải đối diện!  Bà phải có quyết định nhanh chóng.  Bà sẽ quyết định trên nền tảng nào?  Bà là một người ngoại quốc.  Có lẽ từ thủơ bé, bà chẳng hề nghe nói đến Đức Chúa Trời của Isơraên. Bà nghĩ gì về lời của Ê-li khi ông nói rằng Đức Chúa Trời của Isơraên sẽ khiến cho bột không hết trong vò và dầu không cạn trong bình?  Ngay giây phút ấy bà phải quyết định hoặc tin lời Đức Chúa Trời qua người lạ này và làm như yêu cầu hoặc cho rằng ông ta ngu ngốc và tảng lờ lời yêu cầu của ông ta.  Chúng ta nhìn thấy điều bà quyết định qua câu 15:

     

    Vậy, nàng đi và làm theo điều Ê-li nói.  Nàng và nhà nàng, luôn với Ê-li ăn trong lâu ngày.  Bột chẳng hết trong vò, dầu không thiếu trong bình, y như lời Đức Giê-hô-va đã cậy miệng Ê-li mà phán ra.

     

    Khi nghĩ về quyết định của bà góa chia sẻ miếng bánh cuối cùng với Ê-li ngày hôm đó, theo bạn điều gì khiến bà làm như vậy?

     

    Có thể bà đã kết luận rằng đàng nào con mình và mình cũng sắp chết vậy thì hãy chia sẻ miếng bánh cỏn con này với người lạ đang gặp khó khăn.  Dù sao, bà cũng đang sống trong nền văn hóa Trung Đông – phải tỏ lòng hiếu khách đối với khách lạ.

     

    Hoặc, bà đã có một sự nhắc bảo mạnh mẽ nơi tâm linh rằng Chúa, Đức Chúa Trời của Isơraên sai vị tiên tri này đến với bà.  Thời ấy, được tiên tri đến ở trong nhà là một điều hết sức vinh dự.  Có lẽ điều tốt lành gì đó cũng sẽ đến  trong sự kiện này nếu bà chia sẻ điều cỏn con bà có cho người của Đức Chúa Trời.

     

    Hoặc, có lẽ bà đã nắm chắc lấy lời hứa của Ê-li rằng nếu bà chia sẻ điều mình có, Đức Chúa Trời của Isơraên sẽ chiếu cố để những nhu cầu của mình và con mình sẽ được chu cấp trong suốt cơn hạn hán.  Có phải chính điều ấy cùng đức tin đã khiến bà vươn ra nắm lấy lời hứa chăng?

     

    Đôi lúc, khi chính chúng ta chẳng có lòng tin, đức tin của người khác có thể mạnh đến nỗi lan sang chúng ta.  Sự vững vàng của Ê-li về lời hứa của Đức Chúa Trời và khả năng nơi ông truyền đạt lời hứa ấy thật mạnh mẽ.  Có lẽ lòng tin của ông đã lây lan sang bà góa.  Dù thế nào đi nữa, bà đã sẵn lòng đánh cược cuộc đời bà và cuộc đời con trai bà trên lời ấy.

     

    Chúng ta không biết điều gì diễn ra trong tâm trí của bà góa trong ngày ấy tại thành Sa-rép-ta gần ba ngàn năm trước.  Điều chúng ta biết là bà đã hành động theo lời Đức Chúa Trời.  Khi nghe lời Chúa, bà vâng theo.  Bà làm điều Ê-li yêu cầu.

     

    Đôi khi, trong lúc cùng đường, chúng ta phải quyết định hoặc vâng lời Đức Chúa Trời hoặc chọn làm điều trông dường như tốt nhất cho chúng ta.  Điều này rất đúng đối với người phụ nữ đơn độc.  Thường thường, nguồn thì nhỏ hẹp còn nhu cầu thì lại lớn lao.  Có thể chúng sẽ phải sống qua những tháng ba mươi mốt ngày mà tiền lương thì chỉ đủ cho hai mươi mốt ngày.  Khi Chúa muốn chúng ta ráng thêm chút nữa, chia sẻ phần ít ỏi của mình với ai đó còn kém thiếu hơn ta, ấy có lẽ là một sự lựa chọn khá khó khăn.   Chúng ta nên làm điều Chúa yêu cầu mình hay là chúng ta nên giữ lại cho mình phần ít ỏi ấy?

     

    Lần sau khi bạn bị cám dỗ tảng lờ lời Chúa cho mình và cứ làm điều để tự bảo vệ mình, hãy nhớ đến bà góa Sa-rép-ta.  Chuyện gì sẽ xảy ra với bà góa và con trai bà ngày ấy nếu bà không vâng theo lời Đức Chúa Trời?

     

    Nếu câu chuyện kết thúc ở đây, chúng ta có thể kết luận rằng mọi việc sẽ suông sẻ khi chúng ta chọn tin lời Đức Chúa Trời, Ngài sẽ sai tiên tri đến làm phép lạ cho chúng ta.  Xét cho cùng, bởi vì bà góa quyết định chia sẻ điều ít ỏi của mình cho sứ giả của Chúa, mỗi ngày trong suốt cơn hạn hán ấy, bột vẫn có trong vò và dầu vẫn có trong bình.  Mỗi ngày, bà, con trai bà, và vị tiên tri đều có bánh ăn.  Đức Chúa Trời chu cấp cho nhu cầu thuộc thể của họ.

     

    Tuy nhiên, ấy không phải là phần cuối câu chuyện.  Hãy xem phần còn lại của câu chuyện trong 1 Vua 17:17-24

     

    Sau một ít lâu, con trai của người đờn bà, tức là chủ nhà, bị đau; bịnh rất nặng đến nỗi trong mình nó chẳng còn hơi thở.  Người đờn bà bèn nói với Ê-li rằng: Hỡi người của Đức Chúa Trời, tôi với ông có việc chi chăng?  Có phải ông đến nhà tôi đặng nhắc lại những tội lỗi tôi và giết con tôi chăng?

     

    Người đáp với nàng rằng: Hãy giao con nàng cho ta.  Người bồng nó khỏi tay mẹ nó, đem lên phòng cao, chỗ người ở, và để nó nằm trên gìường mình.  Đoạn, người kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va mà rằng: Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi!  Có sao Ngài giáng tai họa trên người đàn bà góa này, nhà nàng là nơi tôi trú ngụ, mà giết con trai người đi?  Người nằm ấp trên mình con trẻ ba lần, lại kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va nữa mà rằng: Ôi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi!  Xin Chúa khiến linh hồn của đứa trẻ này trở lại trong mình nó.

     

    Đức Giê-hô-va nhậm lời của Ê-li; linh hồn của đứa trẻ trở lại trong mình nó, và nó sống lại.  Ê-li bồng đứa trẻ, đi xuống lầu, vào trong nhà dưới, giao cho mẹ nó mà nói rằng: Hãy xem, con nàng sống.

     

    Nàng bèn nói cùng Ê-li rằng: Bây giờ tôi nhìn biết ông là một người của Đức Chúa Trời, và lời phán của Đức Giê-hô-va ở trong miệng ông là thật.

     

    Đó là phần kết của câu chuyện. Chúng ta không còn nghe gì thêm nữa về bà góa vô danh này.  Tuy nhiên, chúng ta có thể được ích lợi qua việc xem xét cuộc thử thách đức tin lớn lao thứ nhì trong cuộc đời bà.

     

    Trong phần đầu, bà bị thử thách trong lãnh vực nhu cầu hiện tại – thức ăn cho bữa kế.  Giờ đây, trong sự kiện thứ nhì, bà bị thử thách trong lãnh vực tương lai của mình.  Bà bị mất đứa con trai.  Đây là đứa con sẽ chăm sóc bà khi già yếu, đây là người sẽ chu cấp cho bà khi bà không còn làm được gì nữa.  Tương lai của bà trói buộc nơi đứa con trai này.  Giờ đây nó không còn nữa.

     

    Trong thử thách đầu tiên, bà phải chọn lựa và hành động.  Trong thử thách thứ nhì, bà chẳng có sự chọn lựa nào cả.  Bà không làm được gì.  Bà hoàn toàn tuyệt vọng trong tai họa này.

     

    Cuộc đời đến với chúng ta bằng cả hai cách, phải không?  Đôi khi chúng ta có thể quyết định, đi đến hành động, và rồi có đủ thực phẩm cho ngày hôm sau, tháng sau, hoặc năm sau.  Lúc khác, chúng ta phải đối đầu với những thảm kịch tuyệt vọng và chẳng thể làm được gì.  Hoàn toàn chẳng làm được gì.  Ấy là trường hợp của bà góa Sa-rép-ta.

     

    Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chẳng bỏ mặc bà trong hoàn cảnh quá chật vật.  Bà có sự hiện diện của Đức Chúa Trời nơi nhân vật tiên tri của Ngài, ông Ê-li.  Ê-li, một người có mối liên lạc với Đức Chúa Trời và là một người có đức tin, đã cầu thay cho bà góa khi bà chẳng còn nơi nào để nhờ cậy.  Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của vị tiên tri và khôi phục sự sống nơi đứa con trai của bà góa.

     

    Ấy là một phép lạ khác.  Nhu cầu hàng ngày cũa họ đã được chu cấp qua một phép lạ – vò bột và bình dầu chẳng hề cạn.  Giờ đây, nhu cầu tương lai của bà được đáp ứng qua một phép lạ khác – sự sống lại của con trai bà.

     

    Hiếm khi nào Đức Chúa Trời đến với chúng ta qua một vị tiên tri vĩ đại như Ê-li.  Ngài cũng chẳng thường chu cấp cho những nhu cầu của chúng ta bằng các phép lạ hiển nhiên.  Tuy nhiên, sự kiện chúng ta không nhìn thấy Ê-li và chẳng kinh nghiệm sự can thiệp siêu nhiên đầy kịch tính không có nghĩa là cuộc đời và nhu cầu của chúng ta chẳng được Đức Chúa Trời quan tâm bằng.

     

    Một buổi chiều tối nọ, khi chúng tôi sống ở thành phố Vienna, thuộc nước Áo, chồng tôi, là mục sư Randy, đang đi thăm viếng tín đồ; ông điện thoại về nhà.  Một gia đình trong hội thánh vừa mới dọn nhà ngày hôm ấy và bếp lò bị trục trặc nên họ không nấu cơm được.  Mình cho họ ăn cơm tối nay được không?

     

    “Dĩ nhiên là được rồi”, tôi trả lời như vậy.  Kế, tôi đi vào bếp mình để xem có cái gì để nấu cho bốn người lớn và hai cậu thiếu niên đang đói meo.  Tôi kiếm được đủ thịt để làm món chính, đủ rau để làm xà-lách.  Nhưng chẳng có khoai hoặc mì sợi gì cả.  Chỉ có một chén gạo.  Tiệm bán thực phẩm thì chiều tối đã đóng cửa rồi.  Chúng tôi phải giải quyết với những gì có trong tay.

     

    Tôi bắc cái nồi lớn nhất lên bếp, nấu nước sôi.  Kế, tôi giơ chén gạo trên nồi nước sôi mà cầu nguyện: “Chúa ơi, xin hãy khiến chén gạo này nở đủ cho gia đình Reid, Bette, Brad và Reidy – với chồng con và con nữa.”  Với một chút đức tin, nhiều hồ nghi lẫn chút sự cam chịu vì trong nhà chẳng còn gì để nấu, tôi đổ gạo vào nồi, đậy nắp lại, rồi đi chuẩn bị phần còn lại của bữa ăn.

     

    Tối đó, chúng tôi đã có một bữa ăn rất vui với khách của mình.  Cơm chin đầy tới miệng thẫu lớn nhất của tôi.  Ai nấy no nê mà vẫn còn thừa cơm.

     

    Tôi không biết chuyện gì diễn ra trong cái nồi cơm đang nấu trên bếp chiều hôm đó.  Tôi biết một điều là Đức Chúa Trời sử dụng các nguồn nguyên liệu chúng ta có để làm công việc của Ngài.  Và, vài phép lạ nho nhỏ đã xảy ra.

     

    Giờ đây xin hãy nghe tôi nói.  Tôi không kêu gọi chúng ta hãy để trí óc của mình qua một bên và tảng lờ trách nhiệm làm việc để chu cấp những nhu cầu hàng ngày của mình.  Tuy nhiên, tôi biết nhiều lúc khi chúng ta đã làm hết những gì có thể làm và Chúa lại yêu cầu thêm một việc nữa, Ngài sẽ có mặt ở đó để chu cấp.

     

    Tôi thường nấu cơm.  Để một lượng gạo sống vào nồi, làm đúng theo hướng dẫn trên bao bì, tôi sẽ có chính xác một lượng cơm chín.  Ấy là vì Chúa đã chu cấp cho tôi phương tiện để mua thực phẩm.  Chúng tôi không thiếu thốn.  Đức Chúa Trời thường hành động qua những công việc mà Ngài chu cấp và qua sự sử dụng cách khôn ngoan các nguồn tài nguyên của chúng ta.  Tuy nhiên, khi chúng ta cùng đường, khi dường như chẳng có lối thoát, Đức Chúa Trời có mặt ở đó trong tình huống tiến thoái lưỡng nan ấy và dẫn đưa chúng ta qua khỏi.

     

    Bạn có để ý thấy điều xảy ra với đức tin của bà góa trong 1 Vua 17 không?  Câu 12, bà nói về “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông”.  Ngài không phải là Đức Chúa Trời của bà. Tuy nhiên, bà cũng có phần nào đức tin, đủ để tin vào lời công bố của Ê-li rằng Đức Chúa Trời của Isơraên sẽ chu cấp cho họ mỗi ngày trong suốt cơn hạn hán lâu dài.

     

    Khi con trai chết, bà góa kết án Ê-li (câu 18) đã đến để nhắc bà về tội lỗi trong quá khứ và hành phạt bà bằng cách đem con bà đi mất.  Bà kêu ông là sứ giả về sự báo thù của Đức Chúa Trời.  Thật sự bà không hiểu rằng ông cũng là sứ giả về tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

     

    Nhu cầu hiện tại của bà đã được chu cấp và tương lai của bà cũng được bảo đảm khi đứa con trai sống lại.  Bấy giờ, câu chuyện này kết thúc qua lời công bố đức tin của bà góa: “Bây giờ, tôi nhìn biết ông là một người của Đức Chúa Trời, và lời phán của Đức Giê-hô-va ở trong miệng ông là thật.”

     

    Nếu không gặp thử thách, đức tin của bà sẽ chẳng lớn lên.  Sự hiểu biết của bà về Đức Chúa Trời sẽ chẳng thêm lên.  Bà sẽ cứ ở trong sự thiếu hiểu biết và không tin.

     

    Qua những thử thách ghê gớm trong cuộc sống – những thử thách đòi hỏi chúng ta phải có những quyết định khó khăn và những thời điểm mà chúng ta không thể chọn lựa được quyết định nào cả – ấy trong những giây phút khó khăn này mà đức tin lớn lên.

     

    Hầu hết thời gian, chúng ta chẳng thấy Đức Chúa Trời hành động.  Hiếm khi nào chúng ta kinh nghiệm được các phép lạ của Ngài cách ràng ràng.  Vò bột vơi đi.  Bình dầu cạn xuống.  Tương lai bị tước khỏi tay chúng ta cách này hoặc cách khác.  Chúng ta có thể bị tước đoạt hết những gì mà chúng ta cho là quan trọng. Chúng ta có thể mất hết những gì đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

     

    Tuy nhiên, giống như bà góa Sa-rép-ta, khi cùng đường, chúng ta không cô đơn.  Có thể chúng ta cảm thấy cô đơn nhưng với đức tin – đôi khi đức tin mượn từ nơi người khác – chúng ta bắt đầu ý thức rằng Đức Chúa Trời hiện diện ờ đó.  Có thể, trong bóng tối; tuy nhiên, Ngài cứ chăm sóc con cái của Ngài luôn.

     

    Hãy suy gẫm lời của Chúa Jêsus chúng ta trong Mathiơ 6:25-33

     

    “Vậy nên, ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc.  Sự sống há chẳng quý trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quý trọng hơn quần áo sao?  Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó.  Các ngươi há chẳng phải là quý trọng hơn loài chim sao?  Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?

     

    Còn về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi?  Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!  Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì?  Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.  Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.”

     

    Đức Chúa Trời, đấng nhìn thấy một bà góa người ngoại giáo đáng thương trong ngôi làng bụi bặm miền biển tên là Sa-rép-ta, cũng nhìn thấy bạn và nhìn thấy tôi nữa.  Đức Chúa Trời dạy cho bà về chính mình Ngài bằng cách đưa bà vào ngõ cụt, nơi tận cùng của mọi tài nguyên của bà.  Ngài thường dạy chúng ta cách tin cậy Ngài tốt nhất khi chúng ta đến chỗ tận cùng của chính mình và khả năng tự lo liệu cho mình.

     

    Trong cơn bỉ cực và cùng đường, Đức Chúa Trời của Ê-li và Đức Chúa Trời của bà góa Sa-rép-ta vẫn là Đức Chúa Trời của chúng ta.  Ngài vẫn hiện diện.  Chúng ta có thể tin cậy và không sợ hãi.

     

    CÂU HỎI CHO NHÓM THẢO LUẬN HOẶC CÁ NHÂN SUY GẪM:

     

    Bạn làm thế nào đương đầu với cuộc sống khi tiền lương chỉ đủ cho hai mươi mốt ngày trong tháng ba mươi mốt ngày?

    Khi mọi việc diễn tiến không tốt đẹp, Chúa đã bước vào bối cảnh ấy như thế nào?

    Theo bạn, những nguồn tài nguyên thuộc linh nào có sẵn nhưng lại khó khai thác?

    Trong tình huống khó khăn, theo bạn, điều khác biệt gì sẽ giúp bạn tin cậy Chúa hơn?

     

     

    Dịch từ “A Woman God Can Use” – Alice Mathews

    Lessons from Old Testament Women Help You Make Today’s Choices

     

    Bài trướcThông Công Bồi Linh Phụ Nữ Đăk Lăk Tại Chi Hội Phước An.
    Bài tiếp theoChủ Đề Lễ Kỷ Niệm Đức Thánh Linh Giáng Lâm – Cho Năm 2012.