“Mẹ con qua đời khi sinh em út, năm đó con mới 5 tuổi. Ba con lại gặp tai nạn giao thông, sức khoẻ yếu, tâm trí không ổn định. Con đang học lớp 9, nhưng không biết sang năm có thể tiếp tục đi học được nữa không…”
Đó là lời chia sẻ của em Tạ Thanh Khải, học sinh lớp 9 trường THCS Nhơn Thọ (xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Chúng tôi gặp em trong chuyến công tác tại Bình Định để phát học bổng cho những em có hoàn cảnh khó khăn khi năm học mới 2019 bắt đầu.
Mẹ mất, ba sức khỏe yếu sau một vụ tai nạn, không còn sức lao động, thỉnh thoảng trong những ngày mùa thì bà con trong xóm kêu đi phụ hốt rơm ngoài ruộng, một vài ngày được một hai trăm ngàn.
Vì hoàn cảnh như vậy nên từ nhỏ ba anh em của Khải được một người chú nhận nuôi. Nhưng hoàn cảnh của chú cũng không khá hơn là bao, cả gia đình trông chờ vào 2 sào ruộng mà làm quanh năm cũng chỉ như đang… bỏ heo đất, vì số tiền bán được khi thu hoạch lúa nhiều lúc cũng chỉ bằng với vốn đầu tư (giống, phân, thuốc…).
Ý thức được hoàn cảnh của mình nên ngoài buổi sáng đi học, chiều về Khải cố gắng phụ giúp gia đình từ việc đi chợ, nấu cơm, rửa chén hay việc đồng án như nhổ cỏ, cào lúa…
Một buổi Khải đi học, buổi còn lại em phụ gia đình
Những tảo tần sớm hôm đó đã dệt nên một cậu học sinh cấp 2 với làn da khét nắng, một thân hình nhỏ nhắn chỉ ngang tầm với học sinh tiểu học ở vùng quê, 14 tuổi, em nặng vỏn vẹn 30kg. “Sau 5 năm nhận học bổng tới giờ không thấy em cao hơn xíu nào mà càng ngày càng ốm đi” – đó là ghi nhận của Mục sư Nhiệm chức Nguyễn Anh Văn, nhân sự quản lý Chương trình Khuyến học tại địa phương (An Nhơn – Bình Định).
Nhân sự phụ trách tại địa phương đến thăm viếng Khải
Phía sau Khải là 2 đứa em ruột đang trong độ tuổi đi học (lớp 6 và mẫu giáo) nhưng không được hỗ trợ trong chương trình này vì số lượng học bổng còn quá hạn chế về. Vì vậy mà mỗi buổi sáng, khi đạp chiếc xe “cà tàng” của mình đến trường, đi ngang qua những cánh đồng khô cằn, Khải thường nghĩ đến hình ảnh mình sẽ đứng ở đó, dưới cái nắng gay gắt của miền trung để 2 đứa em có được cơ hội đến trường, chỉ không biết là nó sẽ thành hiện thực khi nào, có thể là sang năm, hoặc 2 năm nữa…. Khải đã chứng kiến nhiều trường hợp tương tự như vậy ở xung quanh mình, những người bạn tầm tuổi với Khải phải rời mái trường để “bán thân” cho đồng ruộng vì ba mẹ ly hôn; hoặc vì ba mất, mẹ bệnh nặng; hay thậm chí có em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Khải bật khóc khi tôi vô tình hỏi: “Ước mơ của con khi lớn lên sẽ làm nghề gì?” Em khóc vì những chông gai trên con đường đến trường dường như đã bóp chết hai từ “ước mơ” trong em. Với những trăn trở về học phí, gánh nặng về 2 đứa em còn quá nhỏ và sức khỏe của ba đang ngày càng yếu dần, Khải chỉ biết đếm từng bước chân khi mình còn được đến trường chứ nào dám ước mơ gì xa hơn.
Khải – một em thiếu niên khi để trên thước đo độ tuổi, một học sinh lớp 9 khi để trên thước đo học vấn, một người anh cả khi để trên thước đo gia đình và là một trường hợp quá đáng thương khi để trên thước đo tấm lòng của mỗi người.
Xung quanh Khải, ngay trong chương trình Khuyến học lần này, chúng tôi chứng kiến khá nhiều trường hợp tương tự, những em nhỏ dường như đã phải cố gắng hơn rất nhiều so với sức chịu đựng của một đứa trẻ để chống chọi với hoàn cảnh đầy thách thức, để vượt qua từng trở ngại mỗi ngày trên con đường đến trường. Ngày mai có thể các em lại sẽ tiếp tục đối diện với những điều đó, nhưng không biết các em có còn đủ sức để vượt qua hay không. Các em thật sự cần sự chung tay giúp sức từ xã hội, từ Hội Thánh, từ những người được ví như muối và ánh sáng của thế gian!
Em Nguyện Thị Thanh Hòa (ở giữa), sinh viên năm 2 Trường Đại Học Quy Nhơn. Ba bỏ đi năm em 5 tuổi, một mình mẹ đi làm công nhân xưởng gỗ lương 3 triệu/tháng. Năm lớp 9, mẹ quyết định cho em nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình nhưng khi nhận được học bổng của chương trình (suốt 6 năm qua) em có thể tiếp tục đến lớp và thi đậu vào trường Đại Học Quy Nhơn.
Em Văn Thị Út Hiền – Học sinh lớp 11. Mẹ em bỏ đi từ khi em còn nhỏ, em sống với bà nội nay đã 91 tuổi
Em Nguyễn Huỳnh Anh Tuấn – Học sinh lớp 11. Ba em bỏ đi từ khi em còn nhỏ, mẹ đi làm thuê ở xa 3 tháng mới về nhà một lần, em sống một mình trong căn nhà xập xệ, tự lo mọi thứ. Em tin nhận Chúa sau những lần thăm viếng và làm chứng của nhân sự quản lý dự án.
Phát học bổng tại nhà thờ Tin Lành Phú Phong – Bình Định
Trong năm học mới 2019, Ủy ban Y tế – Xã hội Tổng Liên Hội sẽ hỗ trợ 73 suất học bổng cho các em từ cấp I đến Đại học với trị giá mỗi suất cho học sinh cấp I là 1,3 triệu đồng/năm; cấp II, III là 2,3 triệu đồng/năm và Cao đẳng, Đại học là 2,5 triệu đồng/năm.
Chương trình được triển khai theo từng khu vực, ở mỗi khu vực có một nhân sự quản lý để chọn lựa, thăm viếng, tư vấn và theo dõi tình hình học tập của các em. Tiêu chí chọn lựa là 50% tín hữu và 50% thân hữu, trong những năm qua đã có nhiều em trong chương trình tin nhận Chúa và nhóm lại trung tín với Hội Thánh địa phương, nhiều gia đình được nghe Phúc Âm, cộng đồng có rất nhiều thiện cảm với Tin Lành qua công tác này.
Tuy nhiên, 73 là con số còn quá khiêm tốn và phần lớn trong số này là đến từ sự góp phần của con cái Chúa ở hải ngoại. Với số lượng hơn 2000 Hội Thánh, Điểm nhóm trải dài khắp 34 tỉnh, thành, nếu mỗi Hội Thánh, Điểm Nhóm hằng năm có thể cưu mang cho một trường hợp ở bên ngoài Hội Thánh thì chúng ta có thể giúp đỡ hơn 2000 cảnh ngộ như Khải có thể tiếp tục đến trường.
Ao ước rằng quý con cái Chúa cùng Hội Thánh sẽ cậy ơn Chúa cưu mang đến chương trình này để có thể mang sự giúp đỡ đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn và Danh Chúa tiếp tục được đồn ra, để có thể mang ước mơ của những em nhỏ như Khải ra khỏi “đồng ruộng” vươn đến những điều tươi sáng hơn!
Mọi sự quan tâm tới chương trình xin vui lòng liên hệ với Ủy ban Y tế – Xã hội Tổng Liên Hội tại địa chỉ: Số 633 đường Ba Tháng Hai, Phường 8, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh Thông tin chuyển khoản: |
Người Vỡ Đất