Tác giả: David Murray
Những bậc phụ huynh Cơ Đốc sốt sắng muốn giúp con mình tập đọc, hiểu, tin cậy và yêu mến Kinh Thánh. Nhưng đa số chúng ta thấy việc này là một thách thức lớn, thậm chí còn dễ gây nản lòng. Kinh Thánh là quyển sách dày và phức tạp khiến ngay cả người lớn cũng sợ đọc. Vậy thì làm sao chúng ta giúp cho con mình làm quen với cuốn sách quan trọng hàng đầu từng được tập hợp lại, để chúng bắt đầu thói quen yêu thích đọc Kinh Thánh hằng ngày?
Không hề có công thức đơn giản nào để áp dụng thành công ở đây. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và Thánh Linh cũng hành động theo nhiều cách khác nhau ở từng thời điểm khác nhau đối với từng đứa trẻ. Nhưng tôi đã tìm ra một số phương cách nói chung có hiệu quả. Vừa là phụ huynh của năm đứa con, đồng thời cũng là một mục sư, tôi xin chia sẻ tám điều tôi thấy là hữu ích.
- Cho Trẻ Giữ Riêng Cuốn Kinh Thánh Trẻ Ưa Thích
Bạn có cho con mình giữ riêng một cuốn Kinh Thánh chưa? Nếu chưa, hãy cho nó một quyển. Hãy mua cuốn đẹp nhất theo khả năng của bạn, cuốn mà trẻ thích cầm trong tay ngắm nghía, cuốn có thể nói lên nội dung đặc biệt và quí giá bên trong.
Bạn có thể mua một cuốn Kinh Thánh dùng cho trẻ em nghiên cứu. Crossway vừa xuất bản cuốn Kinh Thánh Minh Họa (Illuminated Bible), ngay khi các con tôi vừa nhìn thấy, là muốn có ngay một cuốn, lật từng trang và háo hức đọc.
Hãy cho con bạn một cuốn Kinh Thánh toát lên giá trị, vẻ đẹp cùng chất lượng. Một quyển Kinh Thánh phát ra chính thông điệp mạnh mẽ bên trong.
- Làm Gương cho Trẻ Noi Theo
Mặc dù thế, nhưng cuốn Kinh Thánh hay nhất cũng sẽ chỉ nằm trên kệ sách đóng bụi, nếu con chúng ta không nhìn thấy chúng ta cũng chuyên tâm, nhiệt tình và háo hức đọc.
Lúc còn bé, tôi không bao giờ có thể hiểu vì sao cha tôi dậy thật sớm trước khi người khác thức dậy, để đọc Kinh Thánh rồi mới đi làm. Tôi cũng nhớ đã từng thắc mắc về thói quen của bà tôi, dù đau ốm, vẫn đọc Kinh Thánh khi có cơ hội. Sao lại có người già như vậy mà còn ham thích đọc Kinh Thánh đến thế? Tuy lúc còn nhỏ tôi không hiểu lý do, nhưng hai tấm gương vừa nêu đã in sâu trong lòng tôi và, dù có nhận ra hay không, cũng ảnh hưởng đến cuộc đời tôi cho tới ngày hôm nay.
- Cho Trẻ một Động Cơ Thôi Thúc
Tôi có quen một thanh niên. Người này cảm thấy khó xuống khỏi giường vào mỗi buổi sáng để đi làm. Chúng tôi có nói với nhau về chuyện này, và vấn đề nằm ở chỗ anh không tìm thấy lý do để làm việc, dù anh làm việc chăm chỉ, vì vậy anh không thấy động cơ thôi thúc trong công việc. Lý do không đủ quan trọng để giúp anh bỏ chân xuống khỏi giường khi chuông đồng hồ ngưng reo.
Nếu muốn con mình đọc Kinh Thánh, chúng ta cần cho chúng biết lý do quan trọng. “Cứ đọc đi!” thì chưa đủ. Tại sao cần đọc Kinh Thánh mỗi ngày? Bởi vì, cùng với việc trung tín nghe giảng lời Chúa thì đọc Kinh Thánh đều đặn là cách chủ yếu và thông thường mà qua đó Đức Chúa Trời phán với chúng ta ngày nay. Kinh Thánh không chỉ là lời khôn ngoan nhằm giúp chúng ta sống tốt hơn,mà còn là lời sự sống đời đời có thể khiến chúng ta “khôn ngoan để được cứu nhờ đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (2 Ti-mô-thê 3:15).
- Cho Trẻ một Kế Hoạch Khả Thi, Rõ Ràng
Khi đã cho biết lý do, chúng ta cần chỉ ra phương cách. Trẻ thực hiện điều này bằng cách nào? Bắt đầu từ đâu? Mỗi ngày phải đọc bao nhiêu? Nên đọc Cựu Ước hay Tân Ước?
Chúng ta cần cho trẻ một kế hoạch khả thi, rõ ràng, nếu không, trẻ sẽ chỉ đọc lòng vòng trong Kinh Thánh, không hiểu gì về mục đích hoặc tiến triển của sự việc, và cuối cùng trẻ sẽ bỏ cuộc. Cách lý tưởng nhất là từ từ đưa dắt trẻ đi xuyên suốt các phần quan trọng nhất của Kinh Thánh qua các bài đọc khả thi mỗi ngày. Đã có sẵn nhiều kế hoạch đọc Kinh Thánh, hoặc bạn có thể tự vạch kế hoạch riêng thích hợp với con của bạn. Đừng nghĩ bạn sẽ có được ngay một kế hoạch hoàn hảo. Hãy cầu xin Thánh Linh hướng dẫn và giúp con bạn thử nghiệm cho tới khi bạn tìm ra một kế hoạch có vẻ hiệu quả với trẻ.
- Giúp Trẻ Đặt Câu Hỏi
Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thử nhiều phương cách khác nhau để buộc tôi đọc Kinh Thánh, nhưng cách hiệu quả nhất là đặt câu hỏi. Đôi lúc ông nêu một câu hỏi đơn giản có liên quan với điều tôi đang đọc. Việc nầy bảo đảm là tôi phải đọc phân đoạn đó để tìm ra câu trả lời, nhưng cũng rèn luyện tôi cách đặt câu hỏi về Kinh Thánh. Hơn nữa, nó còn tạo cho tôi thói quen tương tác với Kinh Thánh để giúp tôi không đọc theo kiểu thụ động mà phải linh động. Các câu hỏi thường liên quan đến nội dung của phân đoạn, nhưng về sau, khi tôi đã lớn, thì những câu hỏi chuyển sang câu hỏi ý nghĩa và áp dụng.
Các câu hỏi tôi dùng để hướng dẫn các con tôi là: Phân đoạn nầy dạy chúng ta điều gì về Đức Chúa Trời? Về tội lỗi? Về sự cứu rỗi? Về Đấng Christ? Về Phúc âm? Về cuộc sống đời nầy và đời sau? Bạn có thể hỏi những câu khác. Nhưng hãy dạy cho trẻ biết thắc mắc về phân đoạn Kinh Thánh ấy.
- Cho Trẻ Câu Trả Lời Khi Trẻ Thắc Mắc
Con của bạn sẽ có những thắc mắc riêng về những phân đoạn mà trẻ không hiểu hoặc về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Bạn phải vui vẻ đón nhận những thắc mắc đó. Hãy thường xuyên hỏi trẻ về điều trẻ đang đọc. Hãy cho trẻ biết rằng bạn muốn trẻ đặt câu hỏi với bạn về Kinh Thánh và nhất là về mối liên quan giữa Kinh Thánh với cuộc sống của trẻ.
Có thể trẻ hỏi những câu mà bạn không thể trả lời. Nhưng không sao. Chỉ cần nói với trẻ là bạn sẽ tìm hiểu và tìm ra câu trả lời, hoặc nhờ mục sư hay một Cơ Đốc nhân trưởng thành giải đáp cho trẻ. Cho dù trẻ thắc mắc điều gì, bạn cũng phải xem trọng câu hỏi của trẻ và luôn luôn hồi đáp, nếu bạn muốn trẻ tiếp tục thắc mắc.
- Khích Lệ Trẻ Tiếp Tục Đọc
Một trong những thói quen tốt nhất chúng ta có thể tập trong gia đình là họp nhau lại khoảng 10-15 phút sau khi từ nhà thờ về mỗi sáng Chúa Nhật, để thảo luận các bài đọc Kinh Thánh trong tuần qua. Chúng ta sẽ kiểm tra xem trẻ có trả lời hết câu hỏi chưa và tạo cơ hội thảo luận điều trẻ học được.
Khi trẻ đã lớn, chúng ta sẽ giảm bớt việc nầy. Thay vào đó, chúng ta cố gắng trò chuyện thân mật với trẻ về điều trẻ đang đọc để khích lệ trẻ tiếp tục đọc.
- Bày Tỏ Thông Cảm Khi Trẻ Thất Bại
Giống như bạn, con của bạn cũng sẽ có lúc thất bại. Trẻ sẽ quên đọc. Trẻ sẽ giả vờ như có đọc. Trẻ sẽ tỏ ra lờ đờ và lười nhác. Trẻ sẽ viện ra đủ mọi lý do để biện hộ. Chớ nên bỏ cuộc. Hãy thông cảm với trẻ!
Nếu con của bạn chưa được tái sanh, chúng sẽ làm bạn thất vọng trong lãnh vực nầy nhiều lần. Đừng bỏ cuộc. Hãy cho trẻ thêm cơ hội! Kiên trì cho trẻ thấy ân điển của Đấng Christ cùng Phúc âm của Ngài khỏa lấp tội lỗi của trẻ và giục giã trẻ vâng phục.
Một trong những món quà quí nhất bạn tặng cho con mình chính là sự quen thuộc với Kinh Thánh cùng sứ điệp của Kinh Thánh. Hãy cho con bạn một cuốn Kinh Thánh riêng để đọc, nêu gương cho trẻ noi theo, cho trẻ một động cơ thôi thúc, và một kế hoạch có thể áp dụng, giúp trẻ đặt những câu hỏi về phân đoạn Kinh Thánh, giải đáp cho trẻ những câu hỏi về Kinh Thánh, khích lệ trẻ tiếp tục đọc, và thông cảm cho trẻ trong những vấp ngã và thất bại.
Người dịch: Khuê Trần
Lược dịch từ: www.desiringod.org