Đạo Của Sự Mầu Nhiệm – 26/10/2017 

3236

 

I Cô-rinh-tô 2:6-9

 6 Dầu vậy, chúng tôi giảng sự khôn ngoan cho những kẻ trọn vẹn, song chẳng phải sự khôn ngoan thuộc về đời nầy, cũng không phải của các người cai quản đời nầy, là kẻ sẽ bị hư mất. 7 Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta. 8 Trong những người cai quản đời nầy chẳng ai từng biết sự đó; bởi chưng, nếu đã biết thì họ chẳng đóng đinh Chúa vinh hiển trên cây thập tự đâu. 9 Song le, như có chép rằng:
Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe,
Và lòng người chưa nghĩ đến,
Nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài

Cầu nguyện: “Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta” (câu 7).

Câu hỏi suy ngẫm: “Mầu nhiệm” trong Tân Ước có nghĩa là gì? Phân biệt sự “mầu nhiệm” với sự “huyễn hoặc”? Bằng cách nào con người có thể hiểu được những điều “mầu nhiệm” trong Đạo của Đấng Christ?

Trong Kinh Thánh Tân Ước, danh từ “sự mầu nhiệm” được nhắc đến 27 lần. Trong đó, Sứ đồ Phao-lô đã sử dụng 20 lần trong các thư tín của mình. “Sự mầu nhiệm” có nghĩa là điều được che giấu, bí mật hay điều không thể tự hiểu được. Đạo của Đấng Christ chứa đựng nhiều sự mầu nhiệm: Sự mầu nhiệm về nước trời (Ma-thi-ơ 13:35), sự mầu nhiệm về sự biến hóa thân thể của thánh đồ khi Chúa Giê-xu tái lâm (I Cô-rinh-tô 15:15, 52), sự mầu nhiệm Chúa Giê-xu thành nhục thể (I Ti-mô-thê 3:16) v.v… Một trong những sự mầu nhiệm quan trọng chính là sự cứu chuộc của Đấng Christ được thực hiện thông qua sự chết của Ngài trên thập tự giá. Chân lý này không thể nào con người tự dùng sự khôn ngoan của mình để hiểu được. Muốn hiểu được thì phải nhờ đến sự bày tỏ từ Đức Chúa Trời. Hay nói cách khác, chính là sự khải thị từ Đức Thánh Linh. Những điều này hoàn toàn khác với những điều “huyễn hoặc” do con người tưởng tượng ra. Con người thiếu vắng những điều mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, nên họ thay những điều “mầu nhiệm” mà mình không thể có thành những điều “huyễn hoặc” để gây sự chú ý nhằm thu hút tính tò mò của con người. “Sự mầu nhiệm” của Chúa đưa con người đến gần với Đức Chúa Trời và giúp con người nhận được sự giải cứu cho linh hồn mình. Còn những điều “huyền bí, huyễn hoặc” do con người nghĩ ra để lừa dối người khác cũng như lừa dối chính mình, thì chỉ dẫn con người ngày càng xa cách Đức Chúa Trời và tiến sâu vào thế giới mê tín, dị đoan.

Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định “Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 1:24). Khi Chúa Giê-xu Christ đến thế gian thì mầu nhiệm của sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời được bày tỏ, tuy vậy, khi chúng ta trình bày Đạo của sự mầu nhiệm cho mọi người rằng Chúa Giê-xu Christ là Đức Chúa Trời làm người, Ngài đã sống trên trần gian như một con người, và đã chết trên thập tự giá để cứu con người…, thì con người tự nhiên hoàn toàn không thể hiểu được vì các tà thần của đời này làm mù mắt họ. Biết được điều này để chúng ta không nản lòng, mà cứ chuyên tâm rao truyền Đạo của sự mầu nhiệm cho mọi người. Khi người nghe được Đức Thánh Linh mở trí mở lòng thì họ sẽ hiểu và tin Chúa, từ bỏ những điều mê tín dị đoan huyễn hoặc mà thờ phượng Chân Thần.

Bạn có hết lòng rao giảng Đạo của sự mầu nhiệm cho mọi người không?

Cầu nguyện: Kính lạy Đức Chúa Trời! Con chúc tụng Ngài là Đấng Khôn Ngoan đã bày tỏ cho con người những điều mầu nhiệm để đưa con người trở về với Ngài, kinh nghiệm phước hạnh trong trong mối thông công với chính Đức Chúa Trời.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 25

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện

Bài trướcTiền Giang: Bàn Giao 27 Hồ Chứa Nước Cho Các Trường Học
Bài tiếp theoSự Ăn Năn và Đức Tin Thật – 27/10/2017