Tác giả: Bruce Narramore
Vào một buổi chiều nọ, anh Tôn thú thật với bạn của mình rằng anh sợ sẽ chẳng bao giờ cưới được vợ. Anh kinh doanh thành công và được tôn trọng giữa vòng những bạn cùng trang lứa, nhưng tận trong lòng anh vẫn thấy mình không xứng đáng, nhất là trong mối quan hệ với nữ giới. Khi gặp người nữ thích mình, Tôn cảm thấy không chắc chắn và tỏ ra lúng túng. Anh không muốn gì hơn là ổn định và tạo dựng một mái ấm, nhưng sự thiếu tự tin đã khiến anh không đủ can đảm để hẹn hò với ai. Không giống như Tôn, Phan là người quyền lực, đảm nhận hầu hết mọi tình huống và khá xấc xược. Mọi người nơi chỗ làm của anh đều thấy ái ngại mỗi khi đứng lên và bảo với anh rằng, “Không.” Anh áp đặt và buộc người khác làm mọi điều theo ý mình cả ở văn phòng lẫn trong đời sống riêng tư của anh. Năm ngoái vợ anh đã đòi ly thân với anh. Phan miễn cưỡng đồng ý để tìm đến tư vấn hầu cứu vãn hôn nhân của mình, và sau vài buổi gặp, anh thổ lộ rằng khi còn nhỏ lúc nào anh cũng cảm thấy thua kém người khác. Ba anh thường so sánh anh với người anh trai và lúc nào cũng chê trách anh về bất cứ điều gì anh làm không đúng. Để khỏa lấp cho sự thiếu tự tin, Phan học cách tìm kiếm quyền lực trên người khác. Đến khi vào phòng tư vấn, anh nghĩ cách này của mình vẫn có hiệu quả, dầu nhiều người đã oán giận, hay giữ khoảng cách với anh. Chỉ khi hôn nhân bị đe dọa, anh mới nhận ra rằng phong thái quá quyết đoán của bản thân đã ảnh hưởng thế nào trên những mối quan hệ của anh với người khác, nhất là trong mối quan hệ với vợ con. Cả Tôn và Phan đều bị thiếu hụt trong thời thơ ấu. Cha mẹ họ đã không thể đáp ứng một trong những nhu cầu lớn nhất mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ- đó là nhu cầu ý thức về sự tự tin. Tự tin nói rằng, “Tôi có thể làm được điều đó, và tôi cũng có thể làm được những điều khác.” Điều này phản ánh sự bày tỏ về những khả năng và tiềm năng được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Nhiều trẻ thiếu tự tin lớn lên phải gánh chịu cảm giác không thể tự lo cho mình, yếu đuối và lo lắng như Tom. Chúng ngại thử điều lạ và gặp người mới. Sợ thất bại, chúng bỏ cuộc, lý luận rằng, “Nếu tôi không liều, tôi sẽ không thất bại.” Những trẻ khác thì giống nhưPhan, đi ngược lại, khống chế người khác để bù cho cảm giác thiếu năng lực hay khăng khăng giữ quan điểm riêng và thách đố quyền lực người khác. Chúng có hàng trăm cách để đưa thông điệp rằng, “Bạn không thể điều khiển tôi; tôi có quan điểm của mình.” Chúng cũng có thể tỏ ra có quyền lực bằng cách ra lệnh cho những đứa khác và trở nên như Napoleon tí hon vậy. Cũng giống như Phan, tính cách hay điều khiển người khác có thể theo chúng vào tuổi trưởng thành cho đến chừng chúng va phải những vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ. Hầu hết chúng ta ít nhiều cũng thiếu tự tin, nhưng Tôn và Phan lại có phần nhiều hơn. Những trẻ tự tin thật sẽ không rút lui và bỏ cuộc như Tôn, cũng không tìm cách khống chế và điều khiển người khác như Phan. Những trẻ tự tin sẽ sẵn sàng chia sẻ và hòa hợp với người khác vì chúng không có gì để chứng tỏ bản thân. Chúng có thể lãnh đạo, cũng có thể đi theo, chúng cũng có thể đưa lên ý tưởng và cảm xúc của bản thân ngay tại gia đình và với bạn bè trong tư thế sẵn sàng hợp tác. Khi những trẻ này khi lớn lên, chúng có thể hoạt động tốt trong nhóm. Nếu chúng đảm nhận vai trò lãnh đạo, chúng sẽ vẫn tôn trọng những người dưới quyền. Khi chúng trong mối quan hệ xã hội, chúng vẫn thoải mái tiếp cận và giao thiệp với người khác. Chúng không lúc nào cũng tốn sức để đoán mò về người khác, nhưng chính ý thức về sự an ninh, bình tịnh bên trong của chúng khiến cho người khác bị cuốn hút.
NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI Con trẻ được sinh ra hoàn toàn không có khả năng tự lực nên lệ thuộc trọn vẹn vào người khác. Suốt hai thập kỷ đầu tiên của cuộc đời, chúng phải liên tục học cách tự chăm sóc bản thân, tự quyết định, hoạt động thuần thục trong thế giới loài người.
Một trong những thách thức và cơ hội lớn nhất cho cha mẹ, ông bà và các nhà giáo dục là học cách giúp đỡ con trẻ phát triển ý thức về sự tự tin một cách lành mạnh và học cách biểu đạt ý kiến lẫn ước muốn, không quá bảo vệ con, không quá thả lỏng, hay quá kỷ luật mà dập tắt khả năng tự biểu đạt của chúng. Con trẻ cần chúng ta đưa ra những giới hạn hợp lý, nhưng chúng ta cũng cần cẩn trọng để không phá nát nhu cầu cần thấy mình có khả năng và tự tin mà Chúa đã ban cho các em trong tiến trình phát triển của chúng. Dầu giai đoạn lý tưởng để bắt đầu xây dựng sự tự tin là những năm tập đi của trẻ, nhưng đừng lo nếu như con bạn đã lớn hơn tuổi đó và bạn vẫn chưa thực hiện tốt việc giúp con phát triển ý thức về sự tự tin. Chẳng bao giờ là quá trễ. Dưới đây là một số lời khuyên nhằm giúp con bạn ở mọi hạng tuổi phát triển sự tự tin.
NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG TÍNH TỰ TIN
- Yêu thương các em
- Quan tâm các em
- Yêu thương và để trẻ biết chúng rất quan trọng trong mắt của bạn.
- Khen ngợi trẻ về nỗ lực lẫn công việc mà chúng thực hiện tốt. Khen ngợi mang đến sự khích lệ và hãy để con biết bạn hài lòng về chúng. Đừng mong đợi sự hoàn hảo. Hãy để con biết rằng bạn chú ý đến những bước mà chúng đang thực hiện để tiến đến đích. Như các cầu thủ ma-ra-tông cần sự cổ vũ và hỗ trợ ở những chặng đường chạy khác nhau, con trẻ chúng ta cũng cần câu nói, “Con có thể làm được!”
- Giúp con trẻ phát triển những mối quan hệ an toàn và đầy thú vị với những bạn cùng chơi. Khi con trẻ có những người bạn tốt, chúng thường sẽ tự tin hơn.
- Tránh chỉ trích. Có người nói rằng, “Cần đến 99 lời khen để bù lại một lời chỉ trích.” Hãy nghĩ về mình. Có phải bạn có xu hướng nhớ lời chỉ trích hơn lời khen ngợi sao? Những lời phê bình mang tính chỉ trích dễ hằn sâu vào tâm trí và tác động trên cách chúng ta đánh giá điều mình nói hay làm, những lời đó cũng không bao giờ để chúng ta thỏa lòng với thành tích của mình. Chúng ta cần công nhận nỗ lực của con cái ngay cả khi chúng không làm “đúng” hoàn toàn một cái gì đó.
- Tránh so sánh với người khác. Gia đình, nơi mỗi người được tôn trọng, được công nhận khả năng, ân tứ và tính cách độc nhất của bản thân, cũng chính là nơi con trẻ được phát triển tốt nhất về ý thức lành mạnh về sự tự tin. So sánh các con trong gia đình với nhau sẽ làm mất sự tự tin của trẻ và thay vào đó sự oán giận của trẻ đối với bạn và với những anh chị em khác trong gia đình sẽ tăng lên.
- Từng bước dạy trẻ những kỹ năng mới. Con trẻ cần được học trong từng giai đoạn phát triển của chúng nếu không sẽ khiến chúng quá tải và bực bội. Để giúp trẻ tạo dựng sự tự tin, hãy chia nhỏ những nhiệm vụ được giao, và khen chúng trong những bước nhỏ đó. Có thể áp dụng cho mọi việc từ việc để trẻ ở tuổi mẫu giáo tự mặc đồ đến việc để những trẻ ở độ tuổi cấp 1 làm những việc nhỏ trong nhà, học một môn thể thao hay hoàn thành tốt bài tập ở nhà, đến việc để những trẻ ở tuổi thanh thiếu niên học cách lái xe gia đình hay quản lý tiền riêng.
- Cho trẻ ở từng độ tuổi những cơ hội phù hợp để phát triển những kỹ năng mới và đảm nhận thêm trách nhiệm. Ở từng giai đoạn phát triển, trẻ sẽ sẵn sàng nhận thêm những nhiệm vụ lớn hơn. Khi bạn giao cho trẻ những nhiệm vụ mang tính thách thức nhưng không vượt ngoài khả năng của chúng, thì đây là lúc bạn đang giúp con hình thành ý thức về quyền làm chủ trong nhiệm vụ đó và điều đó sẽ khiến sự tự tin của trẻ được tăng lên.
- Khích lệ trẻ chia sẻ quan điểm và ý kiến. Trẻ ở mọi hạng tuổi đều cần cha mẹ tôn trọng về suy nghĩ và quan điểm của chúng. Lắng nghe con không nhất thiết là chúng ta phải làm theo điều chúng muốn, nhưng có nghĩa rằng chúng ta nghiêm túc thu nhận ý kiến của con và để con biết rằng chúng ta tôn trọng sự đóng góp đó.
- Cho trẻ tham gia vào những quyết định của gia đình. Con trẻ phát triển sự tự tin khi chúng biết ý kiến đóng góp của chúng là quan trọng. Khi ra ngoài ăn, hãy để con đưa ý kiến nơi có thể đi, món ăn sẽ đặt hay nơi sẽ ngồi trong nhà hàng. Một số gia đình thấy việc họp mặt gia đình đều đặn là hữu ích. Trong những buổi họp mặt gia đình, bạn có thể xin ý kiến con về những quyết định, chẳng hạn như nơi sẽ đi trong kỳ nghỉ hay sẽ làm gì vui vào cuối tuần sắp tới. Bạn sẽ không phải luôn làm theo đề nghị của con, nhưng việc tiếp thu ý kiến của con sẽ giúp con cảm thấy mình quan trọng và đây cũng là cách xây dựng sự tự tin cho trẻ.
- Nhận ra những khả năng và ân tứ đặc biệt của con, đồng thời cho con cơ hội phát triển. Là cha mẹ, chúng ta đều biết các con không giống nhau, nhưng đôi khi chúng ta chưa nghĩ đến sự ảnh hưởng của điều đó trên việc nuôi dạy con của mình.
Nếu đứa con thứ nhất của bạn có khả năng hội họa, đứa thứ hai có khả năng về thể thao, đứa thứ ba lại là đứa thâm trầm sâu sắc hay có khả năng đồng cảm tốt, thì hãy tìm cơ hội để xác nhận những ân tứ độc nhất đó của con. Hỗ trợ từng đứa để giúp chúng trở nên những người đặc biệt theo cách Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng. Khi bạn làm điều đó, trẻ sẽ bắt đầu nếm biết sự tự tin qua việc thực hiện những điều chúng giỏi và thích nhất.
- Để trẻ biết rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng thật đặc biệt và chúng có thể sử dụng ân tứ để phục vụ Ngài và những người khác. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ân tứ để mang đến phước hạnh cho người khác và khi làm như vậy chúng ta sẽ trãi nghiệm sự thỏa lòng. Con cái của bạn cũng vậy. Khi bạn giúp con phục vụ Chúa và người khác, cũng có nghĩa là bạn tạo nên chất lượng cho tương lai của con. Bạn cũng giúp con sống bày tỏ kiểu mẫu đời sống mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng. Điều đó mang đến cho con trẻ ý thức về mục đích và sự tự tin.
- THIÊN PHÚ TUYỆT VỜI. Mỗi trẻ đều được Chúa ban cho một nhu cầu sâu xa đó là nhu cầu cảm biết ý thức về sự tự tin. Sự tự tin dẫn đến sự lạc quan về tương lai và khiến trẻ sẵn sàng vươn ra nếm thử điều mới lạ. Đây là một nền tảng tuyệt vời cho cả sức khỏe thuộc linh, tình cảm và các mối quan hệ. Khi trẻ thiếu tự tin, chúng sẽ thấy lo lắng và sợ sệt và thế là hoặc bị kẹt lại trong đó hoặc bị ma quỷ cám dỗ trong việc tìm kiếm quyền lực và quyền điều khiển trong điều gì khác. Trẻ phát triển sự tự tin thông qua việc nếm thử điều mới lạ và được phép thất bại lẫn thành công trong một môi trường được hỗ trợ. Trên con đường dẫn đến sự tự tin trưởng thành, con trẻ hầu hết phải trải qua một số khó khăn trong cuộc sống và sự nghi ngờ bản thân. Chúng ta cần học cách đồng đi với con trong những thời khắc đó để lắng nghe và khích lệ chúng. Những trẻ tự tin có khuynh hướng lớn lên thành những thiếu niên không bị bắt phục bởi những áp lực của các bạn trang lứa. Khi lớn lên, chúng sẽ thành những người lớn có ý thức lành mạnh về bản thân và có thể vươn lên trong những mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp lẫn trong đời sống thuộc linh. Còn món quà nào tốt hơn mà chúng ta có thể mang đến cho con trẻ?
Người dịch: Thảo Anh
Nguồn: http://ncfliving.org/psychology-for-living-literature/psychology-for-living-magazine.html