Gióp 9:14-24
14 Phương chi tôi đáp lại với Ngài,
Và chọn lời tranh biện cùng Ngài!
15 Dầu khi tôi công bình, tôi cũng không dám đối lại cùng Ngài;
Nhưng tôi cầu xin ơn của Đấng phán xét tôi.
16 Mặc dầu tôi kêu cầu, và Ngài đáp lời tôi,
Tôi cũng không tin rằng Ngài lắng tai nghe tiếng tôi.
17 Vì Ngài chà nát tôi trong cơn gió bão,
Và thêm nhiều vít tích cho tôi vô cớ.
18 Ngài không để cho tôi hả hơi;
Nhưng Ngài khiến tôi no đầy sự đắng cay,
19 Nếu luận về sức lực, kìa, Ngài vốn quyền năng!
Nếu nói về lý đoán, thì Ngài rằng: “Ai dám cáo kiện ta?”
20 Dẫu rằng tôi công bình, miệng mình sẽ lên án cho mình;
Tuy tôi trọn vẹn, nó sẽ tỏ tôi ra gian tà.
21 Dẫu tôi vô tội, tôi không kể đến mình tôi,
Tôi khinh bỉ mạng sống tôi.
22 Ác và thiện thảy đều như nhau; bởi cớ ấy, nên tôi có nói:
Ngài tiêu diệt người trọn vẹn cũng như kẻ gian ác.
23 Nếu tai họa giết chết thình lình,
Thì Ngài chê cười sự thử thách của người vô tội.
24 Đất bị phó vào tay kẻ gian ác;
Nó che mặt những quan xét của đất:
Nếu chẳng phải nó, vậy thì ai?
Câu gốc: “Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” (Rô-ma 8 :18).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp suy nghĩ thế nào về sự công bình của ông trước sự hiện diện của Chúa? Tại sao ông Gióp cho rằng “ác và thiện thảy đều như nhau” (câu 22)? Kết quả cuối cùng của đời sống làm lành và làm ác sẽ như thế nào?
Sau khi tôn cao quyền năng vĩ đại của Chúa (câu 4-13), ông Gióp nghĩ làm thế nào ông có thể biện minh cho sự công bình của ông. Trong địa vị con người thấp hèn, thì làm sao có thể “tranh biện” hay “đối lại” Chúa được. Ông buồn đau khi những thử thách đến với ông như gió bão chà nát đời sống ông không ngớt. Những tai họa luôn để lại những “vít tích” trong thể xác và tâm hồn ông (câu 17). Ông nhận biết rằng nếu có tòa án phân xử về sự công bình của ông, thì trước Chúa vĩ đại, chính ông cũng không dám bênh vực cho sự công bình của mình. Nếu Chúa là quan tòa, ông Gióp biết mình không có hy vọng tỏ mình là công bình. “Dẫu tôi vô tội, tôi không kể đến mình tôi” (câu 21).
Ông Gióp tiếp tục suy nghĩ về kết quả của đời sống công bình của ông. Trong cơn tuyệt vọng, ông nhận thấy rằng “Ác thiện thảy đều như nhau… vì Ngài tiêu diệt người trọn vẹn cũng như kẻ gian ác” (câu 22). Thiên tai giáng xuống người ác cũng như người lành. Mưa xuống đất đâu phân biệt cho người tội hay vô tội. Vậy người làm lành, theo ông Gióp chưa hẳn có kết quả tốt hơn người làm ác.
Chúng ta suy nghĩ thế nào về điểm cuối của cuộc đời? Sứ đồ Phao lô nhắc nhở “vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (I Cô-rinh-tô 10:12). Mỗi con dân Chúa cần phải cẩn thận nếp sống mình. Phải cầu xin Chúa giúp chúng ta sống thánh khiết hơn mỗi ngày. Bên cạnh đó, cần phải biết rõ rằng chúng ta được cứu là nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời, không phải do chúng ta đạt được sự trọn vẹn. Nhiều khi chúng ta cũng suy nghĩ hoang mang như ông Gióp khi gặp thử thách: không biết Chúa có công bình hay không, sao người ác được thịnh vượng, còn người sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Chúa thì thường gặp nhiều khó khăn, thua thiệt? Sứ đồ Phao-lô dạy: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ hiện tại không đáng so sánh với vinh quang tương lai sẽ được tỏ ra cho chúng ta” (Rô-ma 8:18 BTTHĐ). Đức Chúa Trời là Tình Yêu, Chúa yêu nhân loại, người tốt cũng như xấu, và Chúa cũng là Đấng Công Bình. Con đường kẻ ác là đường rộng, dễ đi, đôi khi có những vinh quang tạm thời, nhưng điểm cuối là sự diệt vong. Con đường theo Chúa là con đường thập tự, đường hẹp với nhiều nước mắt, thử thách nhưng dẫn đến sự sống và vinh hiển đời đời trong Chúa (Ma-thi-ơ 7:13-14).
Bạn chọn con đường nào cho bản thân, gia đình bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha tội cho chúng con khi chúng con phàn nàn, nghi ngờ tình yêu và sự công bình của Chúa. Xin cho con vững tin nơi Ngài và hướng đến sự sống vinh hiển đời đời.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Nê-hê-mi 13.