Ngày 16/9/2016: Ta Là Người Chăn Hiền Lành

2501

Giăng 10:11-18

11 Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình. 12 Kẻ chăn thuê chẳng phải là người chăn, và chiên không phải thuộc về nó, nếu thấy muông sói đến, thì nó bỏ chiên chạy trốn; muông sói cướp lấy chiên và làm cho tản lạc. 13 Ấy vì nó là kẻ chăn thuê, chẳng lo lắng chi đến chiên. 14 Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta, 15 cũng như Cha biết ta, và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình. 16 Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng nầy; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi. 17 Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình, để được lấy lại. 18 Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta.
 

Câu gốc: “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình” (câu 11).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu cho biết người chăn hiền lành khác với người chăn thuê như thế nào? Lời phán của Chúa Giê-xu đã minh họa rõ nét chức vụ của Ngài như thế nào? Làm thế nào chúng ta biết Chúa và quen tiếng Chúa?

 

Sau khi Chúa Giê-xu ví Ngài là cái cửa chuồng chiên, Ngài công bố tiếp Ngài là “Người chăn hiền lành.” Đồng thời Chúa nêu lên những điểm tương phản giữa người chăn hiền lành với người chăn thuê. Chúa nói người chăn thuê là người chăn vì tiền, chiên không thuộc về họ vì thế họ chẳng màng quan tâm đến lợi ích của chiên, họ sẵn sàng bỏ chiên để chạy thoát thân khi gặp hiểm nguy mặc cho chiên bị muông sói cướp và bầy chiên tản lạc. Đây là hình ảnh của những lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã đuổi người khiếm thị được Chúa chữa lành ra khỏi nhà hội cách không thương tiếc vì anh không đáp ứng lợi ích của họ. Ngược lại, người chăn hiền lành là chủ của bầy chiên, chiên thuộc về người, người chăn bầy vì tình yêu nên sẵn sàng hy sinh chính mình vì sự sống và sự an toàn của chiên.

 

Những lời phán của Chúa Giê-xu minh họa rõ nét chức vụ của Ngài, vì yêu thế gian đến nỗi Ngài đã đến thế gian chịu chết trên cây thập tự vì tội lỗi của nhân loại (Giăng 3:16). Cụm từ “phó sự sống mình” được Chúa lặp lại bốn lần (câu 11,15,17, 18). Chúa nói trước mục đích sự chết của Ngài, và khẳng định bằng cách nhấn mạnh nhiều lần đó là sự chết tự nguyện vì bầy chiên chứ không do ai có quyền cất sự sống của Ngài cả. Điều này cũng là lời cảnh cáo cho những nhà lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ vì họ luôn tìm mọi cách gài bẫy để bắt và giết Chúa. Ngài đến thế gian là để chịu chết nhưng đó là cái chết tự nguyện để chuộc tội cho nhân loại.

 

Sự chết của Chúa có giá trị cho toàn nhân loại vì Ngài yêu cả thế gian, nhưng chỉ có những ai biết và quen tiếng Ngài và Ngài biết họ (câu 14-15) thì người đó mới thật sự thuộc về Chúa, được Ngài chăm sóc và bảo vệ. Đây không phải là biết hời hợt nhưng người thật sự thuộc về Chúa là người biết Chúa cách sâu nhiệm, kinh nghiệm về Chúa, quen biết tiếng Chúa để nghe theo khác nào Chúa Cha biết Chúa Con và Chúa Con biết Chúa Cha vậy. Chúa Giê-xu là Người Chăn Hiền Lành, phó sự sống Ngài vì chúng ta, nhưng chúng ta chỉ thật sự thuộc về bầy của Ngài khi chúng ta gắn bó với Lời Chúa để hiểu biết Chúa và quen với tiếng Ngài, nếu không, dù có đi nhà thờ chăng nữa thì chúng ta cũng chỉ ở trong nhà thờ chứ chưa chắc đã ở trong chuồng chiên của Chúa.

 

Bạn có chắc mình ở trong chuồng chiên của Chúa chưa?

 

Cầu nguyện: Cảm tạ Chúa là Người Chăn Hiền Lành đã phó sự sống Ngài vì con. Xin cho con học Lời Chúa mỗi ngày, chân thành lắng nghe tiếng phán của Chúa để làm theo hầu cho con luôn được bảo bọc trong chuồng chiên của Chúa.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sử Ký 19.

Bài trướcTập Huấn Công Tác Cơ Đốc Giáo Dục Tại Đồng Nai
Bài tiếp theoBồi Linh Và Trang Bị Kỹ Năng Truyền Giáo Tỉnh Kiên Giang