CHƯƠNG 9: SỰ GIẬN DỮ (PHẦN 1)
Dr. Gary R. Collins
Sự giận dữ là một tình trạng cảm xúc mà mọi người đều có thể kinh nghiệm được, thế nhưng lại không thể định nghĩa được nó một cách chính xác. Sự giận dữ xảy ra với nhiều mức độ mạnh mẽ khác nhau, từ sự làm phiền hoặc sự bực mình nhỏ cho đến mức độ bạo lực cao hơn. Sự giận dữ bắt đầu ở thời kỳ vị thành niên và tiếp tục có trong những năm sau đó. Sự giận dữ có thể được che đậy và xảy ra từ bên trong hoặc được thể hiện tự do rộng ra bên ngoài. Sự giận dữ có thể ở trong giai đoạn ngắn, đến và đi nhanh chóng, hoặc sự giận dữ có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ với hình thức của sự cay đắng, phẫn nộ, hoặc thù ghét. Sự giận dữ có thể mang tính hủy hoại, đặc biệt là khi nó tồn tại trong hình thức của sự hung hăng hoặc trả thù, thế nhưng sự giận dữ cũng có thể mang tính xây dựng nếu như nó là động cơ giúp sửa chữa sự thiếu công bằng hoặc để suy nghĩ một cách đúng đắn hơn. Sự giận dữ được thức tỉnh khi một người cảm thấy bị đe dọa, bị người khác chê bai, hoặc bị trở ngại trong quá trình hướng tới một mục đích khát khao nào đó. Nhiều khi sự giận dữ được che đậy phía sau một khuôn mặt bình tĩnh và tươi cười. Sự giận dữ luôn luôn liên quan tới một sự thức tỉnh thuộc sinh lý mà người giận dữ không thể nhận ra cách có ý thức.
Sự giận dữ được thể hiện vô ý thức thường xuyên và cũng được nhiều người che đậy cách có chủ tâm. Có nhiều vấn đề bên trong cá nhân liên quan tâm lý, thể lý, và thuộc linh, là gốc rễ của sự giận dữ. Cùng với sự thù ghét, sự giận dữ là kẻ phá hoại chính, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự khốn khổ, sự thất vọng, sự thiếu hiệu năng, bệnh tật, các tai nạn, sự mất mát tài chánh, mất thời gian và có tác động phá hoại tâm trí. Hậu quả của nó có thể là mâu thuẫn trong hôn nhân, nghiện rượu, sự lạnh nhạt của người vợ, sự chai lì của một đứa trẻ, lo lắng hoặc căn bệnh về thể chất…
Sự giận dữ có thể can dự vào chức vụ, hoặc trở ngại việc tư vấn của một người tư vấn khi người được tư vấn nói hay làm điều gì làm cho thức tỉnh cơn giận. Do sự phổ biến và tầm quan trọng của nó, các nhà nghiên cứu quan sát kỹ càng sự giận dữ, tìm hiểu mọi nguyên nhân và có hướng tìm cách làm giảm thiểu các cơn giận dữ. Nhà tâm lý học Cơ Đốc Neil Clark Warren gọi sự giận dữ là “cảm xúc khó hiểu nhất của con người”, và kết luận “sự kiểm soát giận dữ là một kỹ năng kém phát triển”. Một sự hiểu biết về sự giận dữ, bao gồm sự giận dữ riêng của người cố vấn, là nền tảng cho việc tư vấn Cơ Đốc hiệu quả.
THÁNH KINH VÀ SỰ GIẬN DỮ
Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời và sự giận dữ của con người được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Chỉ trong Cựu Ước có đến sáu trăm lần nhắc đến cơn thạnh nộ hoặc cơn giận, và chủ đề này tiếp tục có trong Tân Ước. Sự giận là một thuộc tính của Đức Chúa Trời và là một bản tánh chung của nhân loại.
Trong Kinh Thánh, sự giận, cơn giận dữ mãnh liệt, và cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời có thể được đề cập thường xuyên hơn tình yêu thương và lòng nhân ái của Ngài. Khi sự giận là một phần trong bản tính của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể kết luận rằng sự giận là sai. Đức Chúa Trời hoàn toàn là Đấng nhân từ và thánh khiết, vì thế chúng ta phải kết luận rằng cơn thịnh nộ của Ngài cũng là tốt đẹp. Theo như James I. Packer, “Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, chẳng bao giờ là tính khí bất thường hay giận dỗi, chẳng bao giờ là điều đáng xấu hổ về đạo đức; nhưng sự giận dữ của con người thì thường như thế. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời là một phản ứng đúng và cần thiết đối với tội lỗi để đạt những mục tiêu về đạo đức.” Cơn giận của Chúa là hùng hồn, mạnh mẽ, có thể kiểm soát được, và phù hợp với tình yêu thương và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Cơn giận của Ngài là cơn giận hướng trực tiếp đến tội lỗi và đến những con người là những tội nhân. Được nhắc lại nhiều lần rằng Đức Chúa Trời đã giận dân Y-sơ-ra-ên vì họ không vâng lời và không trung thành. Chúa Jêsus cũng đã giận với những kẻ lợi dụng tôn giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ vì lòng cứng cỏi của họ.
Bởi vì mọi con người đều là tội nhân, con người xứng đáng để nhận cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đổ xuống, vì Ngài chống nghịch tội lỗi. Nhưng Đức Chúa Trời- Đấng công bình và đầy lòng thương xót, Đấng cứu chuộc- Ngài kiềm giữ sự thể hiện cơn thạnh nộ của Ngài đối với con người, để họ có thêm thời gian và cơ hội để ăn năn. Phao-lô nói về một cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời “Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin-kính và mọi sự không công-bình của những người dùng sự không công-bình mà bắt hiếp lẽ thật ” (Rô-ma 1:18), và Kinh Thánh cũng nói về một cơn thạnh nộ sẽ xảy ra trong tương lai. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng đầy sự khôn ngoan, tối cao, toàn năng, hoàn hảo, và toàn tri, Ngài chẳng bao giờ có sai sót một trường hợp nào cả, Ngài chẳng bao giờ cảm thấy sợ hãi, chẳng bao giờ mất sự điều khiển, và Ngài luôn luôn giận đối với tội lỗi và sự không công chính.
Kinh Thánh chẳng bao giờ chỉ trích cơn giận của Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh nhiều lần cảnh báo về cơn giận dữ của con người. Là một loài thọ tạo bất toàn, con người là có nhiều sai phạm trong nhiều tình huống, lầm lỗi trong việc đoán xét, phản ứng khi cảm thấy sợ hãi hoặc tổn thương, và lòng thù hằn dẫn đến sự trả thù. Kinh Thánh báo trước sự giận dữ có thể tạo ra cơ hội cho Sa-tan nhơn dịp xen vào và gây ra các điều tệ hại tiếp theo. Trong Ê-phê-sô 4:26, Thánh Phao-lô căn dặn khi bạn đương cơn giận, thì chớ phạm tội và “Chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn”.
- Sự giận dữ của con người là tội?
Con người được tạo dựng theo hình của Đức Chúa Trời và được ban cho những cảm xúc, bao gồm sự giận dữ. Sự giận dữ này là một cảm xúc cần thiết và hữu dụng. Điều này đã được thấy qua Chúa Jêsus và điều này không phải là phạm tội và chính nó cũng không phải là tội.
2. Sự giận dữ của con người có thể là hậu quả từ quan niệm sai trái.
Đức Chúa Trời là hoàn hảo, Ngài thông suốt mọi sự, và luôn luôn hoàn toàn chính xác trong cách mà Ngài nhìn thấy mọi việc. Cơn giận của Ngài luôn luôn là một phản ứng nghịch lại sự không công bình nào đó. Ngược lại, con người là không vẹn toàn không luôn luôn có thể đoán xét một cách chính xác giữa điều không công bình. Con người trở nên giận dữ khi suy nghĩ một việc gì đó là sai. Khi cảm thấy có thể bị tổn thương, bị sợ hãi, hoặc bị chỉ trích; con người có thể có những hành động sai trái đối với những người khác và lâm vào sự giận dữ.
3. Sự giận dữ của con người thường hướng đến tội lỗi.
Như những cảm xúc khác, sự giận dữ có thể mang tính xây dựng (phục vụ cho một mục đích hữu ích) hoặc mang tính phá hủy. Sự giận dữ có thể là tôn kính-Đấng Christ hoặc có thể là tội lỗi. Lời cảnh báo của Phao-lô “ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội;” lời cảnh báo này cũng đề xuất một vài sự thể hiện về sự giận dữ đúng lúc, thế nhưng những người khác cho là sai về đạo đức.
Bởi vì cơn giận dữ rất dễ đưa người ta đến sự phạm tội vì bị thương tổn, là cách cư xử mang tính hủy phá, vì thế cơn giận dữ thường bị kết án trong Thánh Kinh. Thánh Kinh cảnh báo rằng “cơn giận dữ ở trong lòng của những kẻ ngu muội”, vì thế, người ta nên “kiềm chế cơn giận và tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời”. Kinh Thánh nhắc nhở “Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận, còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm.” Trong sách Châm Ngôn, cơn giận dữ được chấp nhận với một lần nhắc đến, thế nhưng lại bị lên án chín lần. Mặc dầu chính cơn giận dữ là không sai, nhưng giận dữ rõ ràng có thể vuột khỏi sự kiểm soát và gây ra nhiều vấn đề và tội lỗi.
a. Sự trả thù. Sự cay đắng, ghen ghét, trả thù, và thái độ xét đoán, tất cả đều kết quả từ cơn giận dữ và tất cả đều bị lên án trong Kinh Thánh. Sự trả thù là trách nhiệm thuộc về một mình Đức Chúa Trời. Không có sự công bình trong mọi sự trả thù của con người, và Kinh Thánh không có đề cập đến những sự cố gắng trả thù.
b. Sự lạm dụng lời nói. Các Cơ Đốc nhân có trách nhiệm đối với lời nói của mình, nhưng điều này rất khó khi một người giận dữ. Trong Cựu Ước cho biết, người nói nhiều mất đi tính khí của mình và được xem là một người ngu xuẩn. Gia-cơ khuyên bảo “người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận”.
c. Sự chia sẻ thiếu thành thật. Kinh Thánh dạy rằng có giá trị khi thể hiện sự giận dữ nhằm hướng một người khác ăn năn và thay đổi để được tốt hơn. Đây là một cách sử dụng đúng sự giận dữ. Thế nhưng, điều gì xảy ra nếu như có sự giả vờ quan tâm đến điều tốt lành cho một người khác cách cá nhân, nhưng lại sử dụng điều này để thể hiện lòng thù hằn riêng? Điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta mang danh nghĩa giúp người khác trong khi nói xấu, hoặc phổ biến điều xấu về họ? Có phải chăng đây là sự thể hiện tội lỗi của lòng thù hằn? Tất cả mọi điều này là sự chia sẻ thiếu thành thật, một hình thức của sự trả thù êm dịu và là tội lỗi.
d.Sự từ chối chia sẻ. Có khi sự giận dữ là cần thiết và tốt cho người khác; nhưng nếu lờ đi, hoặc từ chối chia sẻ những cảm giác của mình thì điều đó là một sự sai lầm. Khi cảm thấy đương tổn thương, ta không dễ dàng để chia sẻ, giúp đỡ những người khác. Một vài người không thể hiện cơn giận của họ, họ đưa ra lời giải thích ngắn gọn về những cảm giác ấy trong một nỗ lực để duy trì sự bình yên. Sự kiềm chế cơn giận, thỉnh thoảng làm cản trở việc tư vấn, không có cơ hội thay đổi một đối tượng để họ được tốt hơn.
4. Sự giận dữ của con người có thể được điều khiển.
Đức Chúa Trời đã dạy dỗ chúng ta làm chủ cơn giận của chính mình. Nhiều phân đoạn trong Kinh Thánh ám chỉ đến sự điều khiển ấy là có thể và chỉ ra làm thế nào để có thể làm được điều đó.
a. Cơn giận phải được nhận biết. Phải chấp nhận rằng sự giận dữ và những cảm giác như thế vẫn luôn tồn tại trong mỗi con người. Sự giận dữ xảy ra hầu có thể cất đi sự cay đắng, bực tức đang phát sinh trong chính con người mình.
b. Các cơn giận dữ phải được kiềm chế. Là con cái của Chúa, trong mọi việc nên có sự suy nghĩ trước khi hành động. Phải có một thời gian im lặng cho các vấn đề, thay vì một sự tuôn tràn hay bùng nổ những lời nói gây vấp phạm làm tổn thương người khác hoặc hủy hoại các mối quan hệ. Hành động này thường hướng đến những triển vọng mới mẻ, làm giảm đi hoặc tan biến cơn giận trước khi cơn giận được lộ ra ngoài một cách không thích hợp.
Trong Thi Thiên 73, tác giả đã giận dữ và tràn ngập cảm xúc cay đắng bởi vì kẻ ác có vẻ như rất mừng rỡ khi những người công bình đang gặp rắc rối. Thay vì bùng nổ cơn giận dữ, tác giả đã tìm cầu Đức Chúa Trời và ông nhận được một sự an ủi lớn lao, một viễn cảnh mới mẻ và tràn đầy sức sống trong cuộc sống.
c. Có sự ăn năn và được tha thứ. Điều này liên quan tới sự ăn năn trước Đức Chúa Trời, sự ăn năn trước những người khác, và một sự vui lòng tha thứ và chấp nhận.
d. Chống trả các sự suy nghĩ trả thù. Khi Chúa Jêsus bị bắt bớ “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình”. Người giận dữ thường hay suy ngẫm những dự tính trả thù, việc này phải được kháng cự và thay thế bởi một thái độ phó thác chính mình và các tình huống của mình cho Đức Chúa Trời.
Nói tóm lại, trong Kinh Thánh, cơn giận được nhìn thấy như là một cảm xúc phổ biến, nó là điều tốt khi thể hiện chống lại sự không công bình. Sự giận dữ là một cảm xúc có thể điều khiển được. Sa-lô-môn đã viết “Người chậm nóng-giận thắng hơn người dõng-sĩ, và ai cai-trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm-lấy thành”.
(còn tiếp)
(Hồ Kim Quốc dịch- Trịnh Phan hiệu đính)