CHƯƠNG 8 – TRẦM CẢM (phần 3)
Dr. Gary R. Collins
TƯ VẤN VÀ TRẦM CẢM
Có những phương cách điều trị và chữa lành căn bệnh suy sụp tinh thần rất hiệu quả. Hầu hết những cách chữa trị này đã được phát hiện nhằm tìm ra các nguyên nhân, đánh giá các mức độ và làm giảm đi các triệu chứng suy sụp tinh thần. Nếu như người tư vấn có thể phát hiện, hiểu, và giúp đỡ những người được tư vấn giải quyết từng nguyên nhân ấy, thì việc tư vấn có thể sẽ tốt hơn.
Những người suy sụp tinh thần thường trở nên thụ động, thốt không nên lời, có ít động cơ, bi quan, và thể hiện một thái độ cam chịu. Vì thế, người tư vấn phải kích thích để họ nói ra, khuyến khích người được tư vấn cố gắng để nói, đặt ra nhiều câu hỏi, đưa ra những lời khen ngợi mang tính định kỳ, và nhẹ nhàng từng bước chia sẻ Kinh Thánh cho họ. Trong một vai trò tích cực hơn, người tư vấn có thể hướng họ đến việc thể hiện mình với những người khác, những lời khẳng định lại sự lạc quan, chia sẻ cho người khác các dữ kiện về những hậu quả của sự suy sụp tinh thần, mọi điều đó có thể mang lại nhiều tác động tích cực. Cần tránh đi sự đối đầu, tránh những câu hỏi thăm dò hoặc những yêu cầu để hành động; Những kỹ thuật này thường gây ra sự lo lắng và có thể càng gây ra nhiều nản lòng và bi quan hơn.
Khi người được tư vấn nói về mình, bạn nên lắng nghe một cách chăm chú. Xem xét những bằng chứng của sự giận dữ, sự tổn thương, suy nghĩ tiêu cực, tự ti mặc cảm, và lầm lỗi… đó là những điều có thể được thảo luận sau này. Khuyến khích những người được tư vấn nói về những tình huống bị quấy rầy của cuộc sống họ, xem xét việc nói về các sự mất mát, thất bại, bị từ chối, và những tình huống khác mà chúng có thể đã kích thích sự trầm cảm trong hiện tại.
Khi làm việc với những người trầm cảm, người tư vấn cần cảnh giác với những cảm giác và suy nghĩ riêng tư của chính mình, phải kiên nhẫn, tập trung, lắng nghe, chú ý đặc biệt và vận dụng những kỹ năng giúp đỡ hiệu quả. Ví dụ như khi tư vấn cho người trầm cảm có một nhu cần mạnh mẽ để được lệ thuộc vào người khác, người tư vấn, hãy hỏi chính mình “Có phải tôi đang khuyến khích sự lệ thuộc? Có phải tôi đang khuyến khích sự giận dữ hoặc suy nghĩ tiêu cực chăng? Có phải tôi đang đòi hỏi quá nhiều nơi người được tư vấn làm họ cảm thấy quá sức?”
Để tư vấn những người trầm cảm, một vài sự nối kết về những điều như sau đây có thể mang lại sự ích lợi.
- Giải quyết bệnh lý.
Những người tư vấn không chuyên về lãnh vực y khoa thỉnh thoảng quên rằng nhiều phản ứng trầm cảm có nguyên nhân vật lý. Người ta ước lượng có khoảng 40% sự trầm cảm có thể xảy ra như là hậu quả trực tiếp của những căn bệnh về thể chất. Sự suy sụp tinh thần khác có thể đến từ việc ăn uống thiếu thốn, trường hợp này tư vấn mang tính chất giúp đỡ chỉ dẫn ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Người tư vấn không chuyên về y khoa không được quyết định về các triệu chứng của một người được tư vấn. Các triệu chứng sụt giảm về thể chất kéo dài hoặc nếu như sự trầm cảm không thể giải tỏa bằng việc tư vấn, cần thiết có những giám định điều trị về y khoa của một bác sĩ chuyên ngành. Nếu như sự trầm cảm có một nguyên nhân sinh học, thì cách chữa trị này có thể loại bỏ được vấn đề. Thường thì các loại thuốc chỉ đem lại sự thư giãn các triệu chứng một cách tạm thời mà thôi, nó làm thay đổi tâm trạng của người được tư vấn và làm cho họ yên tâm tuân theo phương pháp chữa trị. Sau đó việc tư vấn có thể tập trung vào các nguyên nhân không mang tính vật lý của sự suy sụp tinh thần.
- Giải quyết các nguyên nhân.
Việc tư vấn sẽ dễ dàng hơn nếu như người tư vấn có thể tìm ra những nguyên nhân tâm lý và thuộc linh gây ra các triệu chứng. Xem xét các nguyên nhân của sự suy sụp tinh thần được liệt kê ở đầu chương này và sau đó qua việc đặt câu hỏi và lắng nghe cách cẩn thận về điều có thể gây ra sự suy sụp tinh thần, qua đó có thể phát hiện các nguyên nhân chủ yếu. Các cơ sở sau giúp dễ dàng tìm ra nguyên nhân để có cách giúp đỡ thiết thực:
– Bối cảnh gia đình. Cần tìm hiểu phải chăng có những ảnh hưởng trong quá khứ hoặc những áp lực gia đình đã tạo ra sự trầm cảm? Nếu quả thật như vậy, những người được tư vấn có thể cần đến sự giúp đỡ học biết cách làm thế nào để quan hệ với mọi người trong gia đình của họ cách hiệu quả hơn. Những thành viên trong gia đình có thể được nhắc nhở để chấp nhận người được tư vấn, để thách thức những suy nghĩ tích cực, khuyến khích hành động tại những chỗ thiếu sự tích cực, và để lôi cuốn người suy sụp tinh thần vào trong những sinh hoạt gia đình. Khi sự giao tiếp đã trở nên tốt và khi gia đình chấp nhận, quan tâm, và gắn bó với nhau, thì những người được tư vấn thường sẽ có những bước cải thiện nhanh chóng hơn.
– Sự căng thẳng. Phải chăng người được tư vấn đang trải qua sự căng thẳng, đặc biệt là sự căng thẳng đến từ một sự mất mát nào đó? Hãy khích lệ người khác chia sẻ những cảm xúc của họ về điều này, thảo luận những kết quả thực tế đối với việc kiểm soát sự căng thẳng, và giúp đỡ người được tư vấn tìm ra những cách thức để tiếp tục cuộc sống.
– Khắc phục mặc cảm bất lực, vô dụng. Có phải người được tư vấn cảm thấy rằng cuộc sống nằm ngoài sự kiểm soát của họ chăng? Nếu như thế, thì hãy thảo luận cách làm thế nào để mọi thứ có thể được thành công, hãy bắt đầu từ những trách nhiệm nhỏ và sau đó tiến dần đến những nhiệm vụ khó khăn hơn. Người tư vấn có thể bàn luận đến các sự kiện chắc chắn sẽ xảy ra mà không thể kiểm soát được, và giúp đỡ những người được tư vấn thấy được rằng Đức Chúa Trời là Đấng tể trị và luôn luôn kiểm soát mọi việc, Ngài điều khiển vạn vật, ngay khi chúng ta không thể tự kiểm soát.
– Sự suy nghĩ. Phải chăng đang có sự suy nghĩ tiêu cực tại đây? Hãy đặt câu hỏi với người được tư vấn để họ nói ra vài suy nghĩ của họ. Kế đến, hãy hỏi vài câu hỏi như: “Có phải đây là một kết luận có giá trị chăng? Có thể có một phương cách nào khác để khắc phục tình huống này chăng? Có phải bạn đang kể những sự việc của chính mình nói về thế giới xung quanh, về bản thân, và về tương lai, mà thật sự thì không phải là như thế?” Tất cả những câu hỏi này được nêu ra để thách thức sự suy nghĩ của người được tư vấn và dạy họ những phương cách để đánh giá những kết luận. Từ đó họ có thể học tập lối suy nghĩ tích cực và thực tế hơn, hướng dẫn người được tư vấn lẽ thật trong Phi-líp 4:8: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm đều chi chơn-thật, đều chi đáng tôn, đều chi công-bình, đều chi thanh-sạch, đều chi đáng yêu-chuộng, đều chi có tiếng tốt, đều chi có nhơn-đức đáng khen – thì anh em phải nghĩ đến.”
– Sự giận dữ. Phải chăng sự giận dữ bắt nguồn từ sự đau đớn và có một thái độ trả thù đến từ sự giận dữ chăng? Những cảm xúc này cần phải được thảo luận và bày tỏ ra, ngay cả trong trường hợp có vẻ như vô lý. Sự đau đớn trong lòng chỉ được phát hiện sau khi để nhiều thời gian lắng nghe cẩn thận và xem xét nó, biểu đồ nêu trên cho thấy sự đau đớn có thể dễ dàng dẫn đến trầm cảm, sự suy sụp tinh thần.
– Lầm lỗi. Phải chăng người được tư vấn đã phạm tội hoặc đang làm một điều gì đó thúc đẩy phạm lỗi chăng? Phải chăng cần có sự ăn năn trước mặt Đức Chúa Trời và cả trước những người khác nữa chăng? Có phải người được tư vấn đã biết về sự tha thứ của Đức Chúa Trời và về tầm quan trọng của sự tha thứ nhau chăng? Trong khi thảo luận về các vấn đề này, người được tư vấn thường góp nhặt được sự khôn ngoan và có thể nghĩ ra những phương cách để giải quyết những ảnh hưởng do sự suy sụp tinh thần gây ra. Thỉnh thoảng người tư vấn có thể đưa ra những sự hiểu biết và những nhận định của mình, thế nhưng, nên có thời gian để cho người được tư vấn đáp ứng những sự diễn giải ấy. Tất cả những điều này góp phần làm tăng thêm sự hiểu biết và điều này thường dẫn đến những thay đổi và sự cải thiện.
- Giải quyết sự suy nghĩ.
Hầu hết mọi người không chấm dứt được sự trầm cảm. Quá trình dẫn đến sự phục hồi có thể kéo dài, khó khăn bởi sự dao động của các trạng thái hình thành từ suy nghĩ mạnh mẽ, đặc biệt là khi thất bại, hoặc những sự chia ly. Những người trầm cảm muốn cảm thấy tốt hơn, thế nhưng những cảm giác của họ gây ra sự khó khăn, nếu như không có thay đổi trong suy nghĩ. Việc nói với một người “Bạn không nên suy sụp tinh thần như thế”, điều này không làm giảm đi sự suy sụp tinh thần, nhưng thường lại thêm vào lỗi lầm vì hầu như mọi hiểu biết không thể làm thay đổi những cảm giác. Để thay đổi những cảm giác, cần phải thay đổi cách suy nghĩ. Khi các nan đề hoặc những sự suy sụp tinh thần xảy ra, thật cần thiết để biết người được tư vấn đang nghĩ gì. Thường thì người được tư vấn nhận định “điều này rất kinh khủng”, “điều này chứng tỏ tôi không tốt”, “không ai thích tôi lúc này”, hoặc “tôi chẳng bao giờ làm bất kỳ điều gì đúng cả.” Những lời nói như trên là những lời tự-chỉ trích, thường chúng không được đặt nền tảng trên sự thật. Chẳng hạn nếu như một người thất bại, không có nghĩa là người ấy “không tốt” hoặc không muốn thực hiện điều nào đó. Thay vì thế, sự thất bại cho thấy sự không hoàn hảo (vì không ai hoàn hảo cả), vì không hoàn hảo nên cố gắng hành động khác đi trong tương lai. Việc tư vấn hiệu quả phải khuyến khích những người được tư vấn đánh giá lại những suy nghĩ đã gây ra sự suy sụp tinh thần, và thái độ nhìn nhận cuộc sống của họ.
Trong một bài viết được đăng trên một tạp chí phổ thông, một người phụ nữ đã viết rằng sự trầm cảm của cô đến từ bộ óc, “Tôi nên là một người tiếp viên, một người mẹ, một người vợ, và một người bạn hoàn hảo. Tôi không nên thất bại. Tôi nên góp phần vào cộng đồng bằng cách phục vụ nhà cầm quyền và góp phần vào để giúp đỡ bất kỳ người nào cần đến tôi.” Người phụ nữ này đã hình thành trong đầu cô những sự trông mong quá sức. Khi cô thất bại, cô đã trở nên tuyệt vọng, sự phục hồi đã không xảy ra cho đến khi cô được giúp đỡ để nhận ra sự yếu đuối về thể chất của con người mình, và cô đã có thể chấp nhận sự thật là tất cả mọi người thỉnh thoảng thất bại.
Đôi khi các Cơ Đốc nhân tự thuyết phục chính mình phải luôn luôn có đời sống thiêng liêng tốt với lòng nhiệt thành, chẳng bao giờ giận dữ, thờ ơ, hoặc nản chí. Khi thất bại không thể tránh thoát được và sự suy sụp tinh thần xảy đến, họ cảm thấy mình như bị áp đặt, cho rằng họ trông mong chờ đợi những điều không thực tế.
Người tư vấn cần cố gắng giúp đỡ những người được tư vấn đánh giá chính xác giá trị những sự trông đợi, những thái độ, và những nhận định của họ. Cần giúp đỡ họ thấy được điều nào trong những điều ấy không thực tế, không hợp với Thánh Kinh, điều nào có thể gây thương tổn. Những loại suy nghĩ này thường mang tính cố chấp, không thay đổi, thỉnh thoảng xuất hiện trong một khoảng thời gian nào đó của cuộc đời, điều nầy có thể đòi hỏi phải lập đi lập lại nhiều nỗ lực giúp đỡ để đánh giá lại và thay đổi thái độ của họ hướng đến chính mình và đến cuộc sống.
(còn tiếp)
Hồ Kim Quốc dịch
(Trịnh Phan hiệu đính)