Tác giả: Alicia Michelle
Mỗi ngày chúng ta đều nghe những chuyện đau lòng về các vụ hôn nhân tan vỡ. Thuở ban đầu những cặp vợ chồng này cũng có những toan tính lớn, nhưng rồi cuộc đời khiến hôn nhân họ tan vỡ và tim họ cũng nát tan.
Khi nghe những câu chuyện thế này, chúng ta thường thầm nguyện, “Chúa ơi, xin đừng để điều đó xảy đến với hôn nhân của con.”
Mặc dù không thể nói rằng mọi hôn nhân đều có cùng một kiểu mẫu, nhưng nhiều cuộc hôn nhân xuống dốc đều lộ ra một hay nhiều dấu hiệu mà tôi sẽ đề cập dưới đây:
Bạn có thấy những điều này xảy ra với hôn nhân của mình không? Vì hạnh phúc của hôn nhân mình, tôi khích lệ bạn đọc những điểm dưới đây với lòng cởi mở và chân thành.
Ghi chú: Tôi chủ ý đặt “những dấu hiệu cảnh báo trong hôn nhân” xoay quanh các chân lý Kinh thánh. Nếu bạn thấy điều này xảy đến trong hôn nhân của mình, tôi hết lòng khích lệ bạn ngẫm suy dựa trên nền tảng những chân lý Kinh thánh để có sự khôn ngoan mà áp dụng vào tình huống cụ thể của mình. Lạm dụng thể xác lẫn tinh thần cũng là dấu hiệu cho thấy hôn nhân xuống dốc. Tôi khuyên bạn hãy nhanh chóng tìm sự giúp đỡ nếu đây là điều mô tả đúng tình trạng hôn nhân của bạn.
- Bạn không muốn phục vụ người phối ngẫu của mình hay đặt người đó lên vị trí ưu tiên
“Phục vụ người phối ngẫu” dường như là câu nói không được nhiều người chấp nhận.
Thế nhưng, chúng ta được kêu gọi phải có tình yêu hy sinh với người phối ngẫu (Ê-phê-sô 5) mỗi ngày, cho dù sự phục vụ đó là về phương diện thể chất hay là tôn trọng ý kiến của chồng/vợ như của chính mình (Phi-líp 2:3-4) khi đưa ra mọi quyết định.
Thực ra, tình yêu hy sinh – bao gồm việc để chồng/vợ của mình làm theo ý của người đó mà không đòi hỏi việc hoàn trả – là loại tình yêu mà chúng ta phải thực hiện khi quyết định cưới nhau (1 Cô-rinh-tô 13).
Chúng ta nghĩ, “Tại sao tôi phải phục vụ khi họ làm việc XYZ nào đó, trong khi họ không cư xử đúng mực với tôi, hay khi tôi biết họ sẽ không bao giờ phục vụ tôi lại?”
Nhưng vấn đề là đây: khi bạn không thể yêu chồng/vợ của mình “cho đến mực” (đến khi họ đối xử đúng mực với bạn…) thì điều này có nghĩa rằng bạn đang hạ thấp gương mẫu lý tưởng về loại tình yêu hy sinh mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho hôn nhân của bạn.
Và vấn đề là, khả năng không thể yêu người phối ngẫu vô điều kiện sẽ giới hạn sự gần gũi của hai người với nhau cách nghiêm trọng, và dập tắt ước muốn của Đức Chúa Trời trong việc sử dụng hôn nhân để khiến bạn tăng trưởng trong sự nên thánh.
Người phối ngẫu không buộc phải “xứng đáng” để nhận tình yêu vô điều kiện của bạn. Đây mới là ý nghĩa thật của tình yêu vô điều kiện và cũng là nền tảng của ân điển.
Thực ra, nhiều lần trong hôn nhân chúng ta đã phải chọn yêu thương người phối ngẫu của mình không phải vì cảm xúc hay điều kiện, nhưng vì chúng ta quyết định yêu theo điều Chúa kêu gọi chúng ta. Những giây phút đó là lời nhắc nhở rất thật rằng không phải chúng ta đang phục vụ người bạn phối ngẫu trong hôn nhân của mình nhưng là phục vụ chính Đức Chúa Trời.
Hôn nhân có thể ích kỷ hay đôi khi gây tổn thương nhau nhưng nó cũng sẽ bị ngột ngạt và xuống dốc khi chúng ta cư xử với nhau dựa vào những điều kiện đó.
Nếu bạn thấy dấu hiệu này trong hôn nhân, hãy xem những câu Kinh thánh dưới đây:
“Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau. Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, và phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch. Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình. Còn vợ thì phải kính chồng.”
(Ê-phê-sô 5: 22, 24-26, 28, 33)
“Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng. Song ai cưới vợ rồi thì chăm lo việc đời nầy, tìm cách cho vợ mình thỏa dạ. Người nữ có chồng và đồng trinh cũng khác nhau như vậy: Ai không chồng thì chăm lo việc Chúa, đặng cho thân thể và tinh thần đều được thánh; nhưng ai có chồng thì chăm lo các việc đời nầy, tìm cách cho đẹp lòng chồng mình.” (1 Cô-rinh-tô 7:32-34)
- Bạn ngày càng ít quan tâm đến ý kiến lẫn ước muốn của người phối ngẫu
Thành thật mà nói, đôi khi người phối ngẫu khiến chúng ta bực bội! Họ có thể khiến chúng ta phát cáu vì cớ suy nghĩ của họ hay có thể khiến chúng ta bị áp lực.
Có những lúc chúng ta muốn đặt ý kiến của người phối ngẫu sang một bên và nghĩ rằng “Ở chốn công sở, trường học tôi đã phải làm theo mọi điều người khác muốn. Giờ về lại nhà mình, tôi muốn làm điều tôi muốn!”
Tôi không ủng hộ việc chúng ta phải chối bỏ cảm xúc hay hạ giá trị cảm xúc của mình, nhưng thật nguy hiểm cho hôn nhân khi bạn không có thói quen coi trọng những suy nghĩ của người phối ngẫu bằng những suy nghĩ của mình.
Tại sao? Vì tình bạn là nền tảng cho mọi mối quan hệ hôn nhân. Tình bạn vững mạnh không tìm kiếm quyền lợi cho mình, nhưng tìm cách giúp đỡ và đem đến phước hạnh cho người khác, đôi khi phải đành hy sinh quan điểm và ước muốn mình để duy trì hòa khí và bày tỏ tình yêu.
(1 Cô-rinh-tô 13)
Khi chúng ta không xem trọng cảm xúc của người phối ngẫu, chúng ta đang làm tổn thương tình bạn trong mối quan hệ vợ chồng, và điều này ngấm ngầm khiến hôn nhân của chúng ta bị tổn hại.
Hãy cẩn thận với kẻ thù bí mật này đang hủy hoại hôn nhân của bạn! Đó là chiến lược thầm lặng mà kẻ thù dùng để khiến hôn nhân bị xói mòn, thậm chí trong những hôn nhân vững mạnh nhất.
Bên dưới là vài câu Kinh thánh ý nghĩa cho vấn đề này:
“Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo.” (1 Cô-rinh-tô 13:4-5)
“Chớ ai tìm lợi cho riêng mình, nhưng ai nấy hãy tìm lợi cho kẻ khác.” (1 Cô-rinh-tô 10:24)
“Hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” (Phi-líp 2:3-4)
- Mâu thuẫn không được giải quyết xen vào hôn nhân của bạn và sự tha thứ dường như khó thực hiện.
Những tranh cãi xuất hiện trong hôn nhân là chuyện bình thường. Mỗi cặp vợ chồng đều là những con người không hoàn hảo cùng sống chung trong một không gian chật hẹp (thêm người, thêm áp lực)
Nhưng câu hỏi thực sự ở đây là, “Chúng ta làm gì với những mâu thuẫn đó?”
Tôi nghĩ đến căng thẳng không được giải quyết trong hôn nhân giống như một cặp kiếng dơ. Mỗi lần có tranh cãi, mâu thuẫn xảy ra, cặp kiếng của chúng ta (cách chúng ta nhìn nhau) bị vẩn đục, hoen ố, mờ đen. Nếu không lập tức xóa bỏ “những vẩn đục” đó bằng sự tha thứ và hòa giải, chúng ta sẽ càng khó nhìn rõ người phối ngẫu của mình (và chắc hẳn rằng chúng ta sẽ càng thấy khó yêu và phục vụ chồng/vợ mình cách vô điều kiện!)
Khi cặp kiếng bị vẩn đục, chúng ta không muốn tha thứ vì dường như ngày càng khó, cực kỳ khó. Mâu thuẫn của tuần qua chất chồng lên mâu thuẫn của hôm nay (cộng thêm việc tái hiện chuyện đã xảy ra khiến chúng ta nổi cáu!), thế rồi trái tim chúng ta đóng lại và hôn nhân của chúng ta chết dần trước khi chúng ta nhận biết điều đó.
Khi sự việc dường như trở nên phức tạp, chúng ta phải chạm ngay cội rễ của cảm xúc mình và xử lý nhanh những vấn đề đó với người phối ngẫu. Chúng ta không thể để mọi việc kéo dài hơn nữa, vì hậu quả của nó sẽ càng phức tạp hơn.
Chúng ta phải tạo thói quen xử lý những vấn đề này ngay lập tức và rồi đi tiếp để hôn nhân của chúng ta có thể tự do hoạt động mà không bị bóp chết bởi những mâu thuẫn không được giải quyết.
Dù những câu Kinh thánh bên dưới đây nói về mâu thuẫn trong tình bạn, nhưng chắc hẳn nó có thể áp dụng trong hôn nhân vì tình bạn là nền tảng của một hôn nhân vững mạnh. Đó là những câu Kinh thánh nói về tầm quan trọng của việc tha thứ nhanh chóng vì cớ sự bình hòa và vì tầm quan trọng của ân điển.
“Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau.” (Ê-phê-sô 4:2)
“Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỷ nhơn dịp… Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:26-27, 31-32)
“Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.” (Hê-bơ-rơ 12:15)
“Kẻ nào lấp giấu tội lỗi tìm cầu điều tình ái; Còn ai nhắc lập lại điều gì chia rẽ bạn bậu thiết cốt.” (Châm 17:9)
“(Tình yêu) chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ.” (1 Cô-rinh-tô 13:5)
(Còn tiếp)
Người Dịch: Thảo Anh
Nguồn: https://www.crosswalk.com/family/marriage/5-signs-your-marriage-is-headed-for-trouble.html