Tác giả: Courtney Reissig
Tôi là người lập kế hoạch. Trong điện thoại tôi có một danh sách những việc phải làm nối tiếp nhau, được sắp xếp theo từng ngày. Hiếm khi nào tôi bắt đầu một ngày làm việc mà không có kế hoạch. Tự phát không phải là cá tính của tôi. Thật ra, tự phát còn khiến tôi bực mình.
Cách đây vài tuần, cơn sốt cao của một trong mấy đứa nhỏ nhà tôi nhanh chóng trở thành việc đại sự của gia đình. Trong vòng 48 tiếng, toàn thể gia tộc bị bệnh, không phải chỉ một bệnh mà là hai chứng bệnh. Bác sĩ nhi của gia đình gọi đó là vi-rút phái sinh. Còn tôi thì gọi đó là hoàn toàn mất tự chủ.
Mặc dù tôi qua khỏi mà không bị tổn thương gì, nhưng danh sách những việc tôi phải làm nằm yên đó mà không hề có một công việc nào được gạch chéo. Khi hết bệnh, tôi bước vào tình trạng hoang mang nhẹ. Làm sao tôi theo kịp tiến độ làm việc? Tôi sẽ phải moi ra đống áo quần để giặt, chén bát để rửa, và hạn chót viết bài trong nhiều tuần. Tâm trạng hoảng loạn chuyển sang tự thương hại, và tôi bắt đầu thắc mắc có phải Chúa đã sai lầm khi ban cho tôi một tuần kinh khủng với bệnh tật.
Một Ngày Tươi Mới
Tôi nhớ khi còn nhỏ thường hát bài Thi thiên được phổ nhạc có tên là “Một Ngày Tươi Mới”, lấy ý từ Thi Thiên 118:24:
Một ngày tươi mới do Chúa Cha ban cho;
Lòng mừng thơ thới trong tiếng ca rộn ràng.
Vì lý do nào đó, bài hát sôi động này thường xuyên xuất hiện trong đầu tôi trong tuần đó. Khi các kế hoạch của tôi biến mất (và được thay thế bằng việc chăm sóc người bệnh ), tôi lại nghe bài hát thưở ấu thơ vang lên trong đầu.
Tôi tự nhủ: Courtney, hôm nay là ngày Chúa ban cho, đừng khinh thường!
Nói thì dễ hơn làm.
Khi một ngày của chúng ta đầy ắp những công tác đã hoàn thành, các thành viên trong gia đình vui vẻ, công việc có những kết quả rõ ràng, thì thật dễ nghĩ rằng “một ngày tươi mới do Chúa Cha ban cho.” Thật dễ vui sướng với một ngày như vậy. Thật dễ vui mừng khi tất cả đều ổn trong thế giới nhỏ bé của chúng ta.
Nhưng còn ngày làm việc vất vả thì sao? Khi mọi thứ đều không ổn? Khi có tin xấu? Khi bạn muốn sửa lại mọi việc vào lúc 9g sáng? Khi đồng nghiệp làm gián đoạn kế hoạch của bạn vì cô ấy cần bạn giúp đỡ, và bây giờ bạn phải làm đến chiều tối. Bạn có thể vui mừng thơ thới trong ngày hôm đó không? Bạn có thể nhìn thấy quà tặng của Chúa mỗi ngày dành cho bạn trong những điều tồi tệ cũng như điều tốt đẹp không?
Tôi nghĩ là có.
Mục đích của Chúa cho cuộc đời bạn
Nếu mục đích của cuộc đời chúng ta chỉ là hiệu quả, hạnh phúc và sự thoả mãn cho riêng mình, thì có lẽ chúng ta có lý do để loại bỏ Thi Thiên 118:24 ra ngoài. Nhưng không phải như vậy. Mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời chúng ta là để Ngài được vinh hiển, để chúng ta trở nên giống Chúa Giê-xu, và để chúng ta trưởng thành trong tình yêu thương với những người xung quanh. Chúng ta không phải là những hữu thể tự lập. Điều này có nghĩa là có vô số cảnh tượng diễn ra trong cuộc đời chúng ta nhằm hoàn thành mục đích lớn hơn của Chúa cho chúng ta.
Một người thân trong gia đình bị bệnh có thể là phương cách Chúa dùng để khiến bạn và họ trở nên giống Con Ngài hơn. Khi bạn bỏ kế hoạch của mình xuống và phục vụ, thì Đức Chúa Trời hành động. Khi người bệnh thừa nhận những giới hạn của mình và nhìn thấy nhu cầu của mình trong một thế giới sa ngã, thì Đức Chúa Trời làm việc. Một ngày tồi tệ không có nghĩa là bàn tay Chúa đang chống lại bạn, mà có thể đó là cách Chúa bày tỏ Ngài đang đứng về phía bạn.
Đức Chúa Trời không từ chối chúng ta điều tốt lành nào cả (Thi 84:11). Nếu chúng ta không có được điều gì, đó là vì điều đó không ích lợi cho chúng ta. Mỗi hoàn cảnh xảy đến với chúng ta đều ở dưới sự kiểm soát của Ngài. Ngài biết số sợi tóc trên đầu chúng ta, thì thử hỏi Ngài còn biết hậu quả của những cuộc đời điên dại nhiều đến mức nào (Math10:29-30; Lu 12:7)? Chúng ta chỉ nhìn cuộc đời từ một góc độ, còn Chúa thì thấy từ nhiều phía. Chúng ta có thể chấp nhận những ngày Ngài ban cho chúng ta với lòng tin chắc và tin cậy vì Ngài biết nhiều hơn chúng ta và nhìn thấy toàn bộ bức tranh về cuộc đời chúng ta.
Sự nhân từ của Chúa trong cuộc đời chúng ta
Thi Thiên 118 là bài ca cảm tạ. Tác giả Thi Thiên kêu gọi dân tộc Y-sơ-ra-ên ngợi khen Đức Chúa Trời vì tình yêu bền vững của Ngài, rồi ông kể lại sự giải cứu của Chúa ra khỏi tai hoạ, là lý do dẫn đến sự thờ phượng. Câu 24 có khả năng nói đến cái được gọi là ngày lễ hội, là ngày họ kỷ niệm sự giải cứu của Chúa. Là tín hữu, chúng ta có thể tham dự lễ kỷ niệm này, ngay cả trong những ngày khó khăn nhất. Có thể chúng ta không trải nghiệm sự giải cứu khỏi thử thách đời này, nhưng trong Chúa Giê-xu chúng ta có được sự giải cứu quan trọng nhất.
Sự nhân từ của Chúa bày tỏ giữa hoàn cảnh khó khăn tràn ngập cả Kinh Thánh, từ chuyện Giô-sép tuyên bố Đức Chúa Trời khiến điều ác của các anh trở thành điều ích lợi (Sáng 50:20) cho đến sự bất công tột bực khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá. Những ngày có vẻ là thất bại trong cái nhìn của thế gian- và thậm chí trong mắt chúng ta- thật sự không hề là thất bại. Chúng đang hoàn thành kế hoạch của Đức Chúa Trời cho chúng ta và cho thế giới.
Cho dù Đức Chúa Trời dự định cho bạn một ngày hôm nay như thế nào, thì đó cũng là ngày Chúa ban cho bạn. Ngài muốn đạt được mục đích của Ngài trong cuộc đời của bạn và của những người xung quanh bạn. Ngay cả khi bạn cảm thấy như mọi thứ đều không như ý bạn, thì Ngài vẫn xứng đáng để bạn ngợi khen. Một ngày tươi mới do Chúa Cha ban cho; lòng mừng thơ thới trong tiếng ca rộn ràng.
Đôi điều về tác giả: Courtney Reissig là tác giả của Glory in the Ordinary: Why your Work in the Home Matters to God (sẽ ra mắt vào tháng 4/ 2017) và The Accidental Feminist: Restoring Our Delight in God’s Good Design. Bà kết hôn với Daniel, và có ba con trai. Họ cùng hầu việc Chúa tại Hội Thánh Midtown Baptist ở Little Rock, Arkansas. Bạn có thể đọc thêm các bài viết trên blog của bà hoặc theo dõi bà trên Twitter.
Người dịch: Khue Tran
Link nguồn https://www.thegospelcoalition.org/article/when-gods-sovereignty-and-your-bad-day-meet