Giữ Lòng Trung Tín Trong Mọi Cảnh Ngộ

3680

HTTLVN.ORG – Đại dịch Covid-19 đã và đang xảy ra đem đến những lo lắng và bất an cho cả nhân loại. Đối với một số người trong chúng ta, những năm tháng vừa qua để lại quá nhiều sự đau thương và mất mát, sự chịu đựng những di chứng bệnh tật do virus để lại, hoặc sự tổn thương tâm lý vì không thể lo hậu sự cho người thân khi họ qua đời vì nhiễm bệnh. Một số khác, công việc kinh doanh đang hanh thông bỗng phút chốc bị phá sản, mà với họ đó là tất cả tài sản được tích lũy lâu đời mà họ trông cậy vào. Ngay cả đối với những người còn giữ được sức khỏe và công việc làm ăn của mình, thì họ cũng bị thay đổi những thói quen hằng ngày trong cuộc sống. Bọn trẻ thì phải chuyển đổi hình thức học tập từ việc đến trường sang trực tuyến, cảnh náo nhiệt háo hức của chúng trong các kỳ nghỉ nay đã trở nên vắng lặng. Ngay cả những cái bắt tay được xem là một hành động thể hiện tình thân khi thăm hỏi, vấn an nhau thì nay chỉ còn là những cái vẫy tay xa xa, giữ khoảng cách 2m, chào nhau qua lớp khẩu trang bịt kín.

Chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái mất định hướng trong thời điểm đầy xáo trộn này. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ trước khi có dịch bệnh xảy ra, cuộc sống của chúng ta cũng đã bị đẩy đưa bởi những thay đổi không mong muốn. Con cái lớn lên và rời xa chúng ta. Cơ thể chúng ta xuất hiện những nếp nhăn và lão hóa theo thời gian. Bệnh tật ập đến. Sự mất mát người thân để lại trong chúng ta những hụt hẫng. Áp lực của công việc và gia đình bủa vây. Và một lúc nào đó bất chợt soi mình trong gương, chúng ta không còn nhận ra bản thân mình và tự hỏi tại sao cuộc sống lại đẩy chúng ta rơi vào những cảnh ngộ như vậy, khiến chúng ta cảm thấy đầy lo toan và mệt mỏi mỗi khi thức giấc.

Chúng ta luôn khao khát được quay lại những khoảnh khắc của ngày hôm qua, nhưng cho dù chúng ta có hoài niệm về chúng, thì đó chỉ còn là kỉ niệm được lưu lại qua những bức ảnh bị quăn góc, ố màu và các đường nét đã dần phai. Thời gian liên tục áp lực, thay đổi chúng ta, và trong thời điểm khủng hoảng nhất nó lại khiến chúng ta tiếc nuối về những điều chúng ta đã đánh mất. Làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua những thời điểm như vậy? Làm thế nào để chúng ta không bị nao núng khi cuộc sống dường như rất bất ổn và cứ cuồn cuộn trôi bất chấp những khao khát được tĩnh lặng trong tâm hồn của chúng ta?

Trong từng cảnh ngộ

Trong lời bài hát “Tâm linh tôi, hãy yên ninh” (Be still, my soul) được viết vào những năm 1750, tác giả Katharina von Schlegel đã mang đến cho chúng ta một tia hy vọng khi đối diện với những cảnh ngộ hòng nhận chìm chúng ta:

Tâm linh tôi, hãy yên ninh, vì Chúa luôn bên cạnh ta
Kiên nhẫn gánh lấy thập giá của sự mất mát hoặc đau khổ.
Hãy giao phó cho Đức Chúa Trời để được bảo an và chu cấp;
Dù thế gian có đổi thay, sự thành tín Ngài vẫn y nguyên.

Khi mọi thứ dường như vô định, và không có gì là chắc chắn, khi mọi nền tảng vật chất chúng ta dựa vào dường như đã đổi thay và đổ vỡ, chúng ta vẫn có thể nương náu vào vầng đá đích thực của đời mình, là Đức Chúa Trời bất biến – Đấng luôn thành tín trong mọi cảnh ngộ. Vua Đa-vít đã trải nghiệm được điều này và ông đã tuyên bố: “Đức Chúa Trời là hòn đá tôi, nơi Ngài tôi sẽ nương náu mình. Ngài cũng là cái khiên tôi, sừng cứu rỗi tôi, và là nơi náu ẩn cao của tôi” (Thi Thiên 18: 2). Trong lúc chúng ta không thể cậy trông nơi trần thế đầy tội lỗi và gian giảo này; thì từ nay cho đến đời đời, chúng ta vẫn luôn có thể nương cậy vào Đức Chúa Trời của chúng ta, Ngài là vầng đá thiêng, là Đấng cứu rỗi và là nơi nương náu của chúng ta.

  • Sự Thành Tín Ngài vẫn y nguyên

Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy tấm lòng của tuyển dân Chúa luôn thay đổi và không đáng tin cậy, họ hư hỏng trong tội lỗi và dễ bị dẫn dụ vào sự thờ hình tượng. Tuy nhiên, khi con người sa ngã, sự thành tín của Đức Chúa Trời vẫn không hề đổi dời. Trong khi “chúng tôi như bầy chiên lạc lối” (Ê-sai 53: 6), thì sự thành tín của Đức Chúa Trời vẫn y nguyên, và “còn đời này đến đời kia” (Thi Thiên 119: 90).

Khi A-đam và Ê-va đưa nhân loại vào sự sa ngã, Đức Chúa Trời đã trục xuất họ ra khỏi vườn Ê-đen, cùng với hành động nhân từ của Ngài là lấy da thú kết thành áo dài cho họ và lời hứa sẽ tiêu diệt Sa-tan qua Đấng Christ (Sáng Thế Ký 3:15, 21). Cả ngày và đêm Chúa “chẳng bao giờ cách xa con dân” Ngài trong suốt hành trình lưu đày trong sa mạc (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:22). Khi nhiều thế hệ con dân của Ngài nổi loạn và đắm mình trong việc thờ hình tượng, tự chuốc lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời qua cuộc vây đánh của người Ba-by-lôn, Chúa đã bảo tồn phần còn lại của dân Ngài, duy trì giao ước của Ngài với Đa-vít (Ê-sai 10: 20–21; II Sa-mu-ên 7:16). Cũng vậy, khi chúng ta chết vì tội lỗi và sự vi phạm của mình, Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót và thành tín đã làm cho chúng ta được sống với Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:1–5).

Những biến động trong năm qua đã đập tan quan niệm, đối với một số người, khi cho rằng nhân loại có thể khống chế được mọi hoàn cảnh. Dù ít hay nhiều, những biến động này đã nhận chìm chúng ta. Trong khi chúng ta đang bám víu vào cảm giác của sự an toàn và ổn định, với tấm lòng đầy bất an và lo lắng đã phản ánh rằng chúng ta không thể nương cậy vào bất cứ điều gì – dù đó là ngoại cảnh hoặc thậm chí là nhịp tim của chính mình – để tiếp tục với nhịp sống. Nguồn duy nhất để chúng ta có thể trông cậy vào đó là sự thành tín của Đức Chúa Trời, là Lời Hằng Sống, và là chân giá trị trong các lời hứa của Ngài.

Tiên tri Ê-sai đã tuyên bố: “Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời” (Ê-sai 40: 8). Lời Chúa phán với chúng ta rằng: “Hễ ai tin Con Ngài thì được sự sống đời đời” (Giăng 5:24), lời hứa êm dịu của Ngài vẫn thành tín cho dù những biến chuyển của thời cuộc có thể vùi dập chúng ta.

  • Lòng thương xót Ngài vẫn không thay đổi

Vào thế kỷ thứ sáu Trước Chúa, tiên tri Giê-rê-mi đã than khóc về sự thất thủ của Giê-ru-sa-lem vào tay người Ba-by-lôn, cho dù ông đã có sự cảnh báo từ lâu về sự phán xét sắp xảy đến của Đức Chúa Trời nhưng không được ai quan tâm. Với lòng tin kính Chúa tuyệt đối của mình, ông đã trút nỗi đau xót này bằng thái độ ca ngợi sự nhân từ vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời:

“Ta nhớ lại sự đó, thì có sự trông mong: Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm” (Ca Thương 3:21-23).

Trong khi nhân loại sa ngã, và hết thảy đều bại hoại, thì lòng thương xót của Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi. Tại nơi thất bại và hoang tàn trên đống đổ nát của Giê-ru-sa-lem, lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời thì vẫn mới luôn, bắt đầu từ những dân còn sót lại mà Ngài đã cứu để khôi phục những gì đã từng bị tan rã. Đỉnh điểm của sự cứu chuộc này trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho toàn thể nhân loại là qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Lòng thương xót và nhân từ của Đức Chúa Trời – mà tiên tri Giê-rê-mi hằng ca tụng – vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ. Trong khi những thay đổi của thời cuộc khiến chúng ta ngã quỵ, Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi (Ma-la-chi 3:6), lòng nhân từ và thương xót mà Ngài đã dành cho nhân loại qua nhiều thời đại vẫn không ngừng tuôn đổ trên chúng ta. Tai ương, nghịch cảnh có thể ập đến. Sự hiểm nguy và khó lường của cuộc sống có thể cướp đi sinh mạng của chúng ta. Tuy nhiên, trong kế hoạch yêu thương và gìn giữ của Chúa, Ngài sẽ khiến những tai họa này hiệp lại làm ích của những ai yêu mến Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:28). Đại dịch, bệnh tật và mất mát ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng sự khủng hoảng rồi sẽ lắng xuống, Con Đức Chúa Trời sẽ trở lại, và lòng nhân từ thương xót của Ngài mỗi buổi sáng thì lại mới luôn và sẽ không bao giờ chấm dứt.

  • Tình yêu vững bền của Ngài còn đến đời đời

Có hết thảy 26 lần trong Kinh Thánh nhắc cho chúng ta biết về “tình yêu thương vững bền của Đức Chúa Trời còn đến đời đời”. Tình yêu bất diệt của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua sự quan phòng của Ngài trên tuyển dân Y-sơ-ra-ên trong suốt hành trình đi đến đất hứa, qua sự dẫn dắt của Ngài giải cứu dân sự thoát khỏi cảnh nô lệ (Xuất Ê-díp-tô Ký 14), qua sự cung ứng thức ăn từ trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 16), và làm dịu cơn khát của họ từ một hòn đá (Xuất Ê-díp-tô Ký 17). Chúng ta cũng đã chứng kiến được điều này, qua sự khắc họa lại, tại thập tự giá: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Đức Chúa Cha đã sẻ chia tình yêu kết ước, trường tồn và bất diệt với Đức Chúa Con từ trước buổi sáng thế, và Ngài cũng đã tuôn đổ tình yêu ấy trên mỗi chúng ta, qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. “Hãy xem Cha đã dành cho chúng ta tình yêu thương nào,” Giăng tuyên bố, “chúng ta nên được gọi là con của Đức Chúa Trời” (1 Giăng 3:1). Tạ ơn Đức Chúa Trời, chẳng có điều gì  – bất kỳ là sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào – có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta (Rô-ma 8:38-39).

Thế giới biến chuyển hằng ngày. Cơ thể chúng ta cũng dần suy nhược. Có những niềm mơ ước tan thành mây khói tựa như những chiếc lá khô bị gió cuốn đi. Cả đất trời cũng sẽ hao mòn. Nhưng tạ ơn Chúa, tình yêu của Ngài không bao giờ thay đổi. Lòng nhân từ Ngài không bao giờ vơi cạn. Và Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng dựng nên và hoàn thiện đức tin của chúng ta, “hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8).

Trần Thanh Trang dịch
(Nguồn: Desiringgod.org)

Bài trướcNgười Này Là Ai? – 16/11/2021
Bài tiếp theoThơ: Chúa Sắp Tái Lâm