Bao Nhiêu Cho Đủ? – 6/8/2022   

3997

 

 

Truyền Đạo 5:10-11

“Kẻ tham tiền bạc chẳng hề chán lắc tiền bạc; kẻ ham của cải chẳng hề chán về huê lợi. Điều đó cũng là sự hư không” (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Với người tham tiền bạc, của cải bao nhiêu mới là đủ? Vua Sa-lô-môn có ý gì khi nói “điều đó cũng là sự hư không?” Người sở hữu nhiều của cải có thể gặp vấn đề gì? Làm sao bạn có thể theo đuổi việc vâng lời Chúa thay vì tập trung vào tiền của?

Con người ngày nay không chỉ cố gắng để có được những gì mình muốn, mà còn luôn khao khát những gì mình không có. Một người nói với bản thân, “Ước gì mình có nhà, cuộc sống sẽ hạnh phúc lắm”? Rồi khi đã có nhà, một thời gian sau người ấy không còn cảm thấy hạnh phúc nữa vì lại tiếp tục mơ ước ngôi nhà đẹp hơn, mức thu nhập cao hơn, cuộc sống nhiều tiện nghi hơn… Đó là thực trạng chung của nhiều người, và Vua Sa-lô-môn với sự khôn ngoan Chúa ban và kinh nghiệm sống của mình đã đúc kết trong Truyền Đạo 5:10, Kẻ ham tiền bạc chẳng bao giờ thỏa mãn về tiền bạc; Kẻ ham của cải chẳng bao giờ thỏa mãn về lợi nhuận. Điều nầy cũng là hư không(BTTHĐ). Với bản chất tội lỗi, con người lúc nào cũng cảm thấy thiếu. Nhưng “có nhiều hơn” không phải là giải pháp để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Vậy nên, vị vua khôn ngoan và giàu có bậc nhất thế gian như Vua Sa-lô-môn đã khẳng định “điều đó cũng là sự hư không”, tức là thật sai lầm khi cho rằng ý nghĩa cuộc đời nằm ở việc sở hữu nhiều tiền bạc, của cải.

Vua Sa-lô-môn cũng trình bày một thực tế khác của người có nhiều tài sản: “Của cải càng thêm nhiều, người ăn xài cũng gia tăng. Người có của cải được ích lợi gì, ngoài việc ngắm nhìn nó?” (câu 11 BTTHĐ). Chúng ta không lạ gì với những câu chuyện bi đát của người trong phút chốc trở nên giàu có, được nhiều người đến nhận bà con, bạn bè. Rồi những bữa tiệc linh đình, những món đồ xa xỉ, những khoản chi không cần lý do v.v…, cứ thế tài sản tiêu tán cũng nhanh như cách nó đến. Chẳng những thế, người Việt còn có câu nói đầy mỉa mai, “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” để cho thấy cuộc sống sa đọa của một số người khi họ sở hữu nhiều tiền của hơn.

Chúng ta đã biết tiền bạc, của cải không hề xấu. Nó chỉ trở thành nan đề khi cho rằng tiền của quyết định hạnh phúc và đem lại ý nghĩa cho đời. Là con cái Chúa, chúng ta nhận biết cơ nghiệp của mình không gì khác hơn là chính Chúa, như trước giả Thi Thiên 119 bày tỏ: “Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp của con; con hứa sẽ vâng giữ Lời Ngài. Con đã hết lòng cầu khẩn ơn lành của Chúa; xin thương xót con tùy theo Lời Chúa” (Thi Thiên 119:57-58 BTTHĐ). Tiền bạc không biết bao nhiêu cho đủ, nhưng “có Giê-xu phần tôi thỏa rồi”.

Bạn có đang cảm thấy đủ với những gì mình có? Có gì cần thay đổi sau bài học này?

Lạy Chúa, Ngài là phần cơ nghiệp của con, và đời con chỉ có thể sống vui thỏa trọn vẹn khi kinh nghiệm ơn thương xót của Chúa và vâng giữ Lời Ngài. Xin cho con biết thỏa lòng với sự ban cho của Chúa và không để cuộc đời con làm nô lệ cho tiền của.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 11

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcDŭm Mâo Kơh Dưi Djăp? – 6/8/2022
Bài tiếp theoBình Định: Kết Thúc Niên Học Thánh Kinh Căn Bản Khóa Giô-Sép (Năm II)