CHƯƠNG 7
SỰ CÔ ĐƠN (phần 2)
CÁC NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ CÔ ĐƠN
Có thể tập họp và chia các nguyên nhân của sự cô đơn thành năm loại: về xã hội, phát triển, tâm lý, tình trạng, và tâm linh.
1.Các nguyên nhân về xã hội.
Sự cô đơn thường gia tăng trong suốt thời gian có những thay đổi và xung đột. Điều này thường được nói đến trong các bài báo cáo khoa học về sự cô đơn, tỷ lệ này thường cao hơn ở những người trẻ tuổi đang học tại các trường. Điều này cũng cho thấy những thay đổi nhanh chóng về xã hội trong thời đại của chúng ta có thể đang gây ra sự cô đơn nhiều hơn. Những ảnh hưởng về mặt xã hội làm gia tăng sự đơn độc, bao gồm những vấn đề sau:
a.Kỹ thuật. Khi một nền kinh tế, và sự giáo dục phát triển, người ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé và ít cần đến nhau hơn. Khi tính hiệu quả, sự sản xuất, và điều kiện làm việc trở nên quan trọng hơn, sẽ ít có thời gian dành cho việc phát triển các mối quan hệ sâu rộng. Nền kỹ thuật phức tạp làm tăng nhu cầu cho các chuyên gia, và đôi khi các chuyên gia này cũng không có thời gian để giao tiếp với những người khác. Hậu quả tất yếu là các mối quan hệ sẽ trở nên hời hợt, sự hiểu biết giảm sút, và sự đơn độc càng trở nên phổ biến hơn.
b.Tính cơ động. Phương tiện giao thông hiện đại làm cho sự di chuyển trở nên dễ dàng hơn, có những sự cám dỗ về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở một nơi nào đó. Điều này chia rẽ tình bằng hữu, làm ly tán nhiều gia đình, phá vỡ tình hàng xóm và tình cảm cộng đồng, và khiến người ta né tránh các mối quan hệ gần gũi mà về sau có thể chấm dứt trong sự chia rẽ đau đớn.
c.Đô thị hóa. Trong các thành phố, có xu hướng nhiều người rút lui hoặc tránh né tiếp xúc với những người khác. Sống giữa chỗ đông người, đầy tiếng ồn, và sự náo động, điều đó khiến một số người ở thành phố thích tránh xa những điều kiện gần gũi với người khác. Tình trạng phạm pháp và phổ biến nhiều thói hư tật xấu trong thành phố, dẫn đến thái độ nghi ngờ, một nỗi sợ hãi tạo sự xa cách dẫn đến sự cô đơn và đơn độc mãnh liệt.
d.Truyền hình. Các chương trình rất hấp dẫn trên tivi thu hút nhiều người, thói quen luôn ngồi trước màn hình đã khiến người ta hiếm khi giao tiếp trực tiếp với nhau. Nhiều người bị dao động bởi những sự trình bày hấp dẫn trên tivi, rất dễ bỏ qua việc đi đến nhà thờ, cùng với các mối quan hệ thân ái từ các tín hữu. Phát minh hiện đại này làm tăng sự chia rẽ bởi các chương trình này chỉ có thể làm tăng cái vẻ bề ngoài và thức tỉnh sự sợ hãi.
Cùng với nhiều lợi ích của nó, sự thay đổi làm chúng ta mất dần đi tính nhân văn, xã hội. Với nhiều kỹ thuật hiện đại, càng có nhiều người rối loạn, đánh mất dần nhiều nền tảng truyền thống tốt đẹp, và tạo ra nguy cơ cho sự cô đơn càng lớn hơn.
- Các nguyên nhân phát triển.
Ellison đã tổng hợp lại và đi đến kết luận rằng, nếu muốn tránh được sự cô đơn cần phát triển ba nhu cầu căn bản sau:
a).Sự tham gia. Con người, đặc biệt là trẻ em, cần cảm nhận được những thân mật với những người khác. Khi trẻ em bị phân cách khỏi bố mẹ chúng, chúng sẽ lo lắng và hờ hững về cảm xúc. Nếu như một đứa trẻ sống chỉ với bố hoặc mẹ, và nếu như cha mẹ chúng quyết định quay lại sống với nhau, đứa con sẽ nối kết cha hoặc mẹ nó lại với nhau, rõ ràng chúng lo ngại sự chia ly sẽ lại xảy ra. Khi chúng ta xem xét về sự gia tăng tỷ lệ ly dị, ta nhận ra lý do tại sao nhiều thanh thiếu niên cảm thấy lạc lõng và không được chú ý, họ thường có sự trưởng thành trong cảm giác cô đơn.
b).Sự Chấp nhận. Có rất nhiều cách khác nhau để cha mẹ tiếp xúc với con cái nhằm thể hiện sự chấp nhận: bằng cách đụng chạm, dành nhiều thời gian với con cái, biết lắng nghe, biết dạy dỗ, và thể hiện tình cảm. Khi những điều này mất dần đi, hoặc khi con trẻ bị lờ đi hay bị chỉ trích nặng nề, chúng bắt đầu cảm thấy mình vô dụng. Chúng sẽ kết luận rằng chúng không được chấp nhận và chúng cũng sẽ tránh xa khỏi những người khác. Về sau, chúng càng trở nên đánh mất lòng tin, khó khăn để chúng có thể tin cậy người khác, và sẽ không còn khả năng thiết lập các mối quan hệ thân mật.
Trong những cách tương tự, khi một người cảm thấy mình không được chấp nhận. Khi cha mẹ cảm thấy họ chẳng còn được con cái họ chấp nhận hoặc mong đợi; Khi người vợ hay chồng cảm thấy mình bị người bạn đời từ chối; Khi mục sư cảm thấy không được tín hữu kính trọng, hoặc khi những người công nhân cảm thấy ông chủ và bạn đồng nghiệp chỉ trích xa lánh. Tất cả các ví dụ trên cho thấy mọi hạng người đều có thể cô đơn vì cảm thấy mình không được chấp nhận hoặc không cần thiết.
c).Các kỹ năng đòi hỏi. Những người không thích nghi với xã hội, họ thiếu nhạy bén trước các nhu cầu hoặc thái độ của những người xung quanh, và họ không biết phải làm thế nào để xây dựng thành công các mối quan hệ cá nhân. Họ có thể cố gắng để vận động hoặc ràng buộc chính họ với những người khác, nhưng điều này chỉ mang lại sự từ chối, thất vọng, lòng tự trọng giảm sút, và chỉ giảm thiểu đôi chút sự đơn độc. Họ có cố gắng, nhưng thất bại liên tục, và sự cô đơn của họ vẫn tồn tại.
Sự đề cao thái quá về sự tự do trong xã hội đã thúc đẩy hay một sự nhấn mạnh về chủ nghĩa cá nhân và những quyền cá nhân khác, điều đó làm cản trở rất nhiều đến các mối quan hệ có tính nâng đỡ lâu dài mà nhờ đó có thể phát triển tình thân ái. Rất nhiều người trong xã hội ngày nay ao ước được sở hữu mọi thứ nhiều hơn những người khác, giá trị của một người được thẩm định qua vẻ bên ngoài và các thành quả mà họ đạt được. Những người không giàu có hoặc không ở trong diện thành đạt có xu hướng bị lờ đi và điều này có thể tạo ra sự cô đơn cho họ. Những cảm giác cô đơn càng trở nên rõ nét khi những giá trị về mặt xã hội quyết định mức độ thân thiện của chúng ta.
- Các nguyên nhân về tâm lý.
Các trường hợp cô đơn phổ biến thường tùy thuộc vào sự nhận định và nhìn nhận cuộc sống. Sự cô đơn xuất hiện thường xuyên hơn đối với những người có mặc cảm tự ti, thiếu khả năng để giao tiếp, luôn có suy nghĩ thất bại, thiếu đi sự điều khiển, sự thù hằn, và sự sợ hãi.
a.Sự tự ti mặc cảm. Khi một người có những suy nghĩ thiếu tự tin về chính mình, đánh giá thấp giá trị của họ và tìm cách lãng tránh những người khác, hoặc cường điệu những phẩm chất của họ, điều đó có nghĩa là họ đã không thành thật. Cả hai thái độ trên đều tác động đến việc một người có thể gần gũi với những người khác. Thật khó để tạo dựng tình bằng hữu khi chúng ta không có đủ lòng tự tin. Chẳng dễ dàng chút nào để phát triển sự thân mật khi chúng ta luôn cảm thấy mình không thu hút hoặc lo ngại sẽ bị từ chối. Sự tự đánh giá chính mình cách tiêu cực khiến cho người ta cảm thấy mình yếu đuối hoặc hổ thẹn. Điều này dẫn đến xu hướng rút lui, phụ thuộc vào những người khác khi đứng trước một yêu cầu khó khăn và sự đơn độc sẽ càng sâu hơn. Ngược lại, sự tự đánh giá chính mình tích cực đem lại cho chúng ta sự tự tin để xây dựng các mối quan hệ thân mật, từng bước giúp giảm đi sự cô đơn.
b.Tính thiếu khả năng giao tiếp. Điều này khiến cho nhiều nan đề bên trong cá nhân xảy ra. Khi người ta không cảm thấy vui vẻ để giao tiếp, hoặc khi họ không biết phải giao tiếp thế nào cho có hiệu quả, có thể một sự cô đơn tồn đọng và sự đơn độc xuất hiện, ngay cả khi những người này được nhiều người bao quanh.
c.Những thái độ tự thất bại. Sự đơn độc có thể là lỗi riêng của một ai đó, nguy cơ của sự cô đơn gia tăng khi họ thù oán, tranh cạnh gay gắt để tự thỏa mãn, nhưng lại lơ đãng với chính mình và các sự thành công của mình; chỉ trích, không biết tha thứ, luôn giữ những cảm giác thù ghét, hoặc đòi hỏi sự quan tâm từ những người khác. Khi những thái độ như thế tồn tại, người ta sẽ bị những người khác lánh xa và sự cô đơn càng trở nên mạnh mẽ hơn.
d.Thiếu sự điều khiển. Cần phải có sự điều khiển trên bất kỳ mọi tình huống nào để quyết định sự khác nhau giữa cảm giác cô đơn và cảm giác đang cô đơn. Thiếu sự điều khiển là tác nhân dẫn đến sự cô đơn. Một bản nhạc nhẹ nhàng dạo lướt qua tâm trí bạn trong khung cảnh đồng quê có thể là một khoảng thời gian nghỉ ngơi và vui vẻ, thế nhưng trong cùng một khung cảnh như vậy lại có thể là hoang phí vì đó là một kinh nghiệm gây ra sự lo lắng khủng khiếp. Sự khác nhau tại đây tùy thuộc vào khả năng xử lý tình huống của người đó. Những nhà nghệ thuật ẩn sĩ Hermits, hoặc những người đang ẩn mình trong niềm tin tôn giáo của họ có thể có khả năng vận động và kích thích mặc dù có thể họ ở cách xa những người khác hàng dặm. Ngược lại, nhiều người góa chồng hay góa vợ, những người đã ly dị hoặc bỏ nhau, hoặc cô đơn trong lao tù, có thể cảm thấy quá cô đơn bởi vì họ bị ép buộc phải trải qua sự cô đơn ấy.
- Lòng thù ghét. Đôi khi sự giận dữ xuất phát từ lòng thù ghét đối với những người khác. Có những thái độ tiêu cực và luôn phàn nàn. Khi có sự suy nghĩ như thế xuất hiện, điều đó khiến cho những người khác sẽ xa lánh họ. Điều này cũng gây ra sự cô đơn và cảm thấy không hạnh phúc. Sở dĩ có các điều đó là do họ cảm thấy mình bị phá ngang, bị thất vọng, hoặc phẫn uất, bực bội vì những sự bất công trên thực tế hoặc do họ tưởng tượng ra.
- Sự sợ hãi. Một vài người che giấu phía sau vẻ bên ngoài của họ, giả dạng là rất tốt, luôn luôn trầm tĩnh hoặc ở trong sự điều khiển, chẳng bao giờ làm phiền người khác bằng cách chỉ trích hay bày tỏ bất kỳ thái độ nào. Thế nhưng đằng sau sự che giấu ấy là sự cô đơn, một cảm giác cô đơn và sợ hãi; Sợ hãi vì thiếu sự thân mật, sợ hãi nếu được biết đến, sợ hãi bị từ chối, sợ hành động không đúng trong những tình huống xã hội, sợ hãi nếu như công việc hoặc những dự định bị phá vỡ, hoặc sợ hãi nếu bị tổn thương. Đối với những người như thế nỗi sợ hãi và cảm giác thiếu an toàn có trong tiếp xúc với những người khác.
- Các nguyên nhân do tình huống.
Một vài người cô đơn bởi vì chính họ ở trong các hoàn cảnh đặc biệt. Đó có thể là những người trẻ tuổi lần đầu tiên sống xa nhà, những người giàu có tưởng như họ thuộc trong giới tài phiệt, các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu hoặc xa rời khỏi những người cùng địa vị với họ, những người tài năng xuất chúng, những người đã cống hiến rất nhiều trong lãnh vực kinh doanh hoặc nghệ thuật nào đó, những người ngoại quốc, những người mới đến ở trong một khu vực nào đó, những người già cả sống trơ trọi một mình, người đã ly dị hoặc ở góa… Tất cả đều được biết đến như là những người thường xuyên trải qua sự cô đơn. Những người có thân thể bệnh hoạn hoặc dị dạng cũng có xu hướng cảm thấy cô đơn. Trong xã hội, những người như thế thường bị từ chối bởi những người khỏe mạnh, điều này thật sự có ảnh hưởng. Do vậy những người tật nguyền thường có thái độ rút lui, là kết quả tất yếu của việc bị từ chối. Vì các điều kiện về thể chất của họ thường dễ dàng ngăn cản họ tiếp xúc với những người xung quanh, và hơn thế nữa hậu quả là sự cô đơn.
- Các nguyên nhân thuộc linh.
Thánh Augustine có một lời cầu nguyện nổi tiếng nói lên nhu cầu cần đến Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng con cho chính mình Ngài và tâm hồn chúng con sẽ không được an nghỉ cho đến khi chúng ta được an nghỉ trong Ngài”.
Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên loài người, Ngài cho loài người tự do quyết định vâng theo hay từ chối ý muốn của Ngài. Từ khi tội lỗi vào trong thế gian, mối tương giao mật thiết giữa con người và Đức Chúa Trời đã bị thay thế bởi sự lầm lạc, tranh cạnh, phán xét, sự đam mê, và nhiều sự tranh chiến gay gắt. Sự cô đơn thường xuất hiện bởi vì tội lỗi khiến người ta trở nên xa lạ với Đức Chúa Trời và với nhau. Thay vì quay trở lại với Đức Chúa Trời trong sự ăn năn và tìm kiếm sự phục hồi lại mối thông công đã mất, thì hàng ngàn người cô đơn lại muốn thoát khỏi sự cô đơn của mình bằng cách dùng các loại thuốc, ma túy, đắm mình trong tình dục, gia nhập vào các băng nhóm để cũng có được những kinh nghiệm như những người trong nhóm, họ tìm quên trong công việc, chơi thể thao, hoặc trong các hình thức hoạt động khác. Moi điều đó càng làm họ cách xa khỏi sự yên nghỉ, tội lỗi không được xưng ra, thì sự cô đơn vẫn cứ còn tồn tại.
(còn tiếp)
Hồ Kim Quốc dịch
(Trịnh Phan hiệu đính)