11 Lý Do Để Cùng Thờ Phượng Chúa Với Gia Đình

4342

 

11 LÝ DO ĐỂ CÙNG THỜ PHƯỢNG CHÚA VỚI GIA ĐÌNH

Cả gia đình cùng nhau thờ phượng Chúa (gia đình lễ bái)  không phải là chuyện dễ dàng bắt đầu đối với chúng ta. Ngay cả khi là mục sư, tôi cũng đã cảm thấy lúng túng khi lần đầu tiên hướng dẫn gia đình thờ phượng (nhất là trong việc hát!). Thế nhưng, bây giờ điều đó đã trở thành một phần của đời sống gia đình chúng tôi. Thực ra, sự thờ phượng gia đình không hẳn chỉ là một phần trong đời sống gia đình mà nó còn đóng vai trò tâm điểm trong ý nghĩa thế nào là một gia đình đối với chúng tôi. Giờ đây điều đó là niềm vui, những phút giây đó giờ không còn là kỳ lạ nữa. Một gia đình Cơ Đốc phải để Chúa Giêxu làm tâm điểm, và nếu Ngài đóng vai trò tâm điểm thì gia đình đó sẽ ngập tràn sự ngợi khen thờ phượng.

Hầu hết các tín hữu Cơ Đốc đều nhận thức được tầm quan trọng của sự thờ phượng chung và riêng, nhưng ít người nghe đến vấn đề gia đình lễ bái. Thế nào là gia đình lễ bái? Khá đơn giản. Tối nay, hãy cùng ngồi với gia đình của bạn tại nơi phòng khách hoặc ngay tại bàn ăn. Và rồi… cùng cầu nguyện, đọc Kinh thánh, và hát thánh ca với nhau. Có nhiều lý do để cả gia đình cùng thờ phượng Chúa với nhau, nhưng chúng ta hãy chỉ đề cập một ít điều. Gia đình lễ bái nhằm mục đích gì?

  1. Làm Rạng Danh và Tôn Cao Chúa– Đây là lý do quan trọng và chính yếu.
  2. Đặt Chúa làm Trung Tâm của Gia Đình – Gia đình lễ bái có hiệu quả quan trọng trong việc đặt Chúa Giêxu vào tâm điểm của gia đình.
  3. Khích Lệ Tính Cách Cơ Đốc – gia đình có lẽ là nơi khó nhất để sống bày tỏ nếp sống Cơ Đốc. Đây là lý do mà sứ đồ Phao-lô nói với từng thành viên của gia đình Cơ Đốc trong đoạn Kinh thánh về gia đình ở thư Ê-phê-sô 5-6 và Cô-lô-se 3. Một thực tế đáng buồn là chúng ta thường bày tỏ bản tánh của Đấng Christ một cách mạnh mẽ hơn khi ở nhà thờ, tại nơi sở làm, hay trong mối quan hệ cộng đồng hơn là lúc ở nhà. Nếu có một nơi nào đó chúng ta phải đặc biệt cẩn trọng với tội lỗi, xác thịt, và kẻ thù của chúng ta, thì đó chính là tại nơi mái ấm của mình. Một nơi sống quá tự nhiên và quá quen thuộc cũng là nơi dễ phạm tội nhất.
  4. Khích Lệ Hòa Khí Trong Gia Đình- Tất cả chúng ta đều là tội nhân và cùng sống dưới một mái nhà trong những nơi chật hẹp. Điều đó sẽ khiến dễ xảy ra những vấn đề nghiêm trọng hay thậm chí là đau đớn! Chúng ta biết các thành viên trong gia đình, và chúng ta cũng biết rõ từng người một. Gia đình lễ bái giúp chúng ta đối diện với tội lỗi và hiểu rõ ảnh hưởng của nó trên những điều khác. Ví dụ, thật khó cho ông bố khi phải hướng dẫn giờ gia đình lễ bái khi chỉ mới vừa quát mắng vợ. Nếu ông bố này sắp hướng dẫn gia đình mình trước ngai ân điển, thì ông phải là người đầu tiên xin vợ tha thứ. Và người vợ cũng sẽ cảm thấy khó nhóm cầu nguyện với gia đình nếu không sẵn lòng tha thứ cho chồng mình.
  5. Gắn Kết Gia Đình Với Nhau- Sống trong một xã hội có nhịp sống nhanh thế này thì gia đình lại càng có ít việc cùng làm với nhau mỗi ngày. Thậm chí thời nay việc ngồi ăn chung với nhau cũng là một kỳ công của gia đình. Còn việc gia đình nhóm hiệp nhau mỗi ngày thì sao? Nếu sự nhóm hiệp đó dành cho sự thờ phượng thì thế nào? Điều đó sẽ trở thành phần tâm điểm quan trọng nhất trong đời sống của gia đình đó. Cả gia đình bạn sẽ bắt đầu nhận biết rằng nếu chúng ta có hoặc không có làm một việc gì khác với nhau thì cũng chẳng thành vấn đề, nhưng điều quan trọng nhất cho thấy chúng ta là một gia đình, đó là tất cả chúng ta cùng thờ phượng Chúa trong sự phục tùng Ngài. Và đây mới là mối dây liên kết đời đời thêm sức mạnh cho gia đình chúng ta trong mọi lãnh vực khác.
  6. Cung Cấp Tri Thức Chung- Khi Kinh thánh được đọc chung trong giờ gia đình lễ bái, thì cả gia đình sẽ được lớn lên trong cùng một sự hiểu biết. Những đối thoại quanh bàn ăn hay trong xe sẽ mang đến sự thay đổi lớn khi mọi thành viên đều có cùng sự am hiểu khi chuyện trò với nhau.
  7. Dạy Cho Con Trẻ Về Việc Cùng Thờ Phượng-Gia đình lễ bái mang đến thêm lợi ích về việc dạy con trẻ đối với sự thờ phượng chung. Khi mọi người cùng ngồi và lắng nghe Lời Chúa, nghe lời cầu nguyện, hát những bài thánh ca, thì tất cả những yếu tố này trong việc cùng nhau thờ phượng sẽ mang đến một ý nghĩa mới. Giá trị của điều này cực kỳ quan trọng.
  8. Khích Lệ Con Trẻ Chúng Ta ở trong Chúa- Con trẻ sẽ thấy rằng đối với cha mẹ thì thờ phượng không phải chỉ là điều gì đó mà cha mẹ chỉ thực hiện vào các buổi sáng Chúa nhật. Nhưng nó đóng vai trò trung tâm trong đời sống của cha mẹ, và quan trọng đủ đến nỗi khiến cha mẹ đặt tâm điểm gia đình trên nền tảng là sự thờ phượng đó. Chúng ta không chỉ nuôi dạy con trẻ để chúng trở nên những người đạo đức, tài năng, nhưng cũng trở nên người biết thờ phượng Chúa Ba Ngôi nữa.
  9. Củng Cố Vai Trò Lãnh Đạo Thuộc Linh- Gia đình lễ bái củng cố nền tảng Kinh thánh về gia đình khi xem người cha (hoặc người mẹ nếu đơn thân nuôi con) là lãnh đạo thuộc linh của gia đình. Khi người cha hướng dẫn các con và vợ trước ngôi Đức Chúa Trời vào mỗi buổi tối, và môn đệ hóa vợ con trong những bài học về Chúa Giêxu, thì vợ con sẽ ngày càng mong đợi sự lãnh đạo thuộc linh từ người cha đó. Điều này làm tăng thêm lợi ích của việc củng cố vai trò thuộc linh trên đôi vai của người cha.
  10. Cung Cấp Mô Hình Môn Đệ Hóa Một Cách Có Hệ Thống- Vì là mục sư, tôi thường có những người tìm đến với những câu hỏi về cách dạy dỗ con cái hay hướng dẫn vợ trong một lãnh vực cụ thể. Những người này thường quan tâm đến một tội lỗi cụ thể hay một rắc rối nào đó trong đời sống của một thành viên trong gia đình họ. Và trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi giống như những lính cứu hỏa vội chạy đến dập tắt vấn đề này hoặc khác. Đôi lúc thì cần thiết, nhưng nếu thường xuyên hành động như thế thì không nên. Môn đệ hóa có hệ thống là phương cách tốt hơn và được trợ giúp bởi thì giờ gia đình lễ bái. Gia đình lễ bái mỗi ngày cung cấp một nền tảng vững chắc dựa trên việc nghe Lời Chúa mỗi ngày, cầu nguyện, và dâng lời tạ ơn. Xây dựng một ngôi nhà vững chắc cần có thời gian. Một ngôi nhà không vững chắc là do người thợ nề chạy từ tường lung lay này sang tường lung lay khác để đóng đinh chỗ nọ chỗ kia.
  11. Cung Cấp Lời Chứng Cho Thế Hệ Mai Sau- Một trong những lợi ích lớn nhất của gia đình lễ bái là việc truyền niềm tin của chúng ta sang thế hệ tiếp theo. Chúng ta đang dạy con trẻ cách đọc Kinh thánh, cầu nguyện, xưng tội, hát ngợi khen Chúa, và nhiều hơn thế nữa. Con trẻ chúng ta sẽ rời gia đình với những hồi ức về việc thờ phượng Chúa mỗi ngày. Chúng sẽ học hỏi bằng cách nhìn và tham gia cách tìm Kinh thánh, cách cầu thay cho thế hệ tương lai của chúng, và cách để có niềm vui trong Chúa. Và bởi sự thương xót và nhân từ của Chúa, chúng sẽ chuyển giao những điều đó cho thế hệ tiếp theo trong gia đình của chúng.

Chúng ta vừa xem những “lý do” của sự thờ phượng gia đình. Chúng ta sẽ khám phá về “phương cách” trong bài học sau. 

Thảo Anh dịch
Nguồn: www.thegospelcoalition.org

Bài trướcBài 84: Men Của Người Pha-ri-si Và Sa-đu-sê, Phi-e-rơ Xưng Đấng Christ
Bài tiếp theoThơ: Kỷ Niệm Mừng Chúa Thăng Thiên