Ngày 3/11/2016: Gương Vâng Phục của Ông Áp-ra-ham

1137

Sáng Thế Ký 22:1-19

 

Câu gốc: “Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách; người là kẻ đã nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình (Hê-bơ-rơ 11:17).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Lý do nào Đức Chúa Trời bảo ông Áp-ra-ham dâng cậu Y-sác làm của lễ thiêu? Ông Áp-ra-ham suy nghĩ gì khi ông hoàn toàn vâng theo lời Chúa dạy? Chúa đã chuẩn bị trước cho ông Áp-ra-ham điều gì? Câu chuyện mang biểu tượng gì? Chúng ta nhận được bài học thực tế nào?

 

Ông Áp-ra-ham được một trăm tuổi khi cậu Y-sác sinh ra (Sáng Thế Ký 21:5). Ông phải chờ đợi hai mươi lăm năm mới có cậu Y-sác (Sáng Thế Ký 12:4), là con của lời Chúa hứa. Chúa khẳng định rằng “do nơi Y-sác sẽ sinh ra dòng dõi lưu danh ngươi” (21:12b). Một thời gian sau, cậu bé Y-sác trở thành một thiếu niên có thể đi bộ ba ngày đường, có thể vác củi cho cha. Đức Chúa Trời thử đức tin ông Áp-ra-ham bằng cách bảo ông dâng cậu Y-sác, đứa con mà ông yêu dấu, làm của lễ thiêu!

 

Hành động của ông Áp-ra-ham chứng tỏ ông không do dự vâng theo mệnh lệnh của Chúa. Ông dậy sớm, thắng lừa chuẩn bị cho hành trình xa. Từ Bê-e-sê-ba đến đất Mô-ri-a (là nơi sau này Vua Sa-lô-môn xây Đền Thờ Giê-ru-sa-lem; II Sử Ký 3:1) phải mất khoảng ba ngày đi bộ (khoảng 80 cây số). Ông cũng chuẩn bị sẵn củi, lửa, và dao cho của lễ thiêu. Khi gần đến nơi, ông bảo hai đầy tớ ở lại để họ khỏi cản trở khi thấy ông dùng cậu Y-sác làm sinh tế. Thái độ hoàn toàn vâng phục Chúa của ông không phải do lòng cuồng tín, mù quáng. Dù ông Áp-ra-ham không hiểu lý do tại sao Chúa bảo ông dâng cậu Y-sác làm của lễ thiêu, nhưng ông tin rằng ông và cả cậu Y-sác sẽ trở về gặp lại hai đầy tớ (câu 5); và khi cậu Y-sác hỏi “chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu?” Ông Áp-ra-ham trả lời với đức tin rằng: “Con ơi! Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu” (câu 7-8). Thư Hê-bơ-rơ 11:17-19 cho biết lúc ông Áp-ra-ham chịu thử nghiệm, ông tin nơi lời hứa của Chúa rằng dòng dõi của ông sẽ được tiếp nối qua cậu Y-sác, và ông tin rằng Chúa có quyền năng để khiến cậu Y-sác sống lại! Ông không rõ đường lối Chúa, nhưng ông biết rõ Chúa và đặt lòng tin nơi Ngài.

 

Về phần Chúa, mục đích của Ngài là chỉ để thử nghiệm ông Áp-ra-ham mà thôi (câu 1). Cho nên khi ông Áp-ra-ham cầm dao định giết cậu Y-sác thì Chúa ngăn cản và Ngài đã chuẩn bị sẵn một con chiên đực để thay thế (câu 11-13). Khoảng 600 năm sau, Chúa phán bảo ông Môi-se cấm ngặt người Do Thái thực hành tập tục làm lễ thiêu sống con mình cho tà thần của người Ca-na-an mà Chúa lên án là ghê tởm (Phục Truyền 18:9-10).

 

Qua câu chuyện, chúng ta học được rằng, việc Chúa thử nghiệm các con cái Ngài là việc bình thường, nhằm giúp chúng ta tăng trưởng trong niềm tin. Khi biết chắc ý Chúa cho mình, bổn phận của chúng ta là hoàn toàn tuân phục. Hơn nữa, câu chuyện này cũng là hình ảnh tiên tri rằng trong tương lai Đức Chúa Cha sẽ hy sinh Con Một Ngài. Mô-ri-a, nơi Chúa bảo ông Áp-ra-ham lập bàn thờ là chính địa điểm sau này vua Sa-lô-môn xây Đền Thờ, và Giê-ru-sa-lem là nơi Đức Chúa Cha sẽ “không tiếc chính Con mình,” bằng lòng để Đức Chúa Giê-xu làm sinh tế chết thế cho tội nhân (Rô-ma 8:32).

 

Cầu nguyện: Lạy Cha yêu thương, xin giúp con hoàn toàn vâng phục ý Cha, dù có nhiều lúc con không hiểu đường lối của Ngài, nhưng con tin rằng ý Cha luôn là tốt lành cho con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 22.

Bài trướcLễ Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Quảng Hòa – Tỉnh Khánh Hòa
Bài tiếp theoThông Báo V/v: Truyền Hình Trực Tuyến Chương Trình Đại Hội Đồng Giáo Phẩm – Lần VIII.