CHƯƠNG 7
SỰ CÔ ĐƠN (phần 1)
Sự đơn độc được gọi là “nan đề sức khoẻ tâm thần phổ biến của thế giới”, “một vấn đề phổ biến với hàng triệu người”, nó liên quan đến mọi tầng lớp xã hội, mọi chủng tộc hoặc giới tính. Đây là một sự từng trải của tất cả mọi con người, nó tạo nên một sự trống rỗng đau đớn trong lòng, có thể chỉ thoáng qua trong phút chốc hoặc âm ỉ cả một quãng đời. Đây là một thực trạng gây ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, bao gồm cả những đứa trẻ. Mặc dầu điều này được thấy trong bất kỳ nền văn hóa nào, nhưng sự đơn độc thường xuất hiện tại hầu hết trong những xã hội như của chúng ta, nơi mà chủ nghĩa cá nhân được đề cao.
Qua cuộc nghiên cứu về sự đơn độc, nhà xã hội học Robert Weiss ước lượng có khoảng một phần tư dân số Mỹ cảm thấy đơn độc trong suốt những năm tháng của cuộc đời họ. Những năm tháng còn trẻ tuổi, tình trạng đơn độc ở mức độ rất cao và đỉnh điểm cao nhất của một người là ở giữa độ tuổi mười tám đến hai mươi lăm. Có bằng chứng cho thấy rằng những người hoạt bát, người có nhiều hoài bão, và nhanh nhạy có thể lâm vào trong tình trạng đơn độc cao một cách đặc biệt. Các nhà lãnh đạo thường là người cảm thấy cô đơn nhất, sự say sưa trong công việc thay vì tham gia hoạt động vui chơi giải trí đã tác động tình trạng cá nhân; những người tư vấn sử dụng cuộc sống của họ hiến dâng cho người khác, thế nhưng chính họ lại thất bại để xây dựng sự gần gũi trong cuộc sống cá nhân của mình. Một nghiên cứu khác cho biết các mục sư và những người vợ của họ kinh nghiệm nhiều về sự cô đơn.
Sự đơn độc là sự nhận thức đau đớn kéo dài quay quắt trong lòng khi thiếu đi mối thông công gần gũi có ý nghĩa với những người khác. Điều này liên quan tới một cảm giác trống trải. Ngay cả khi có rất nhiều người bao quanh, họ vẫn là những người đơn độc. Những người đơn độc thường cảm thấy bị bỏ rơi, không muốn điều gì cả, bị từ chối, hoặc bị hiểu nhầm. Họ thường có những cảm giác buồn rầu, thất vọng, không ngơi nghỉ, và lo lắng kéo dài theo thời gian. Đó có thể là một sự khao khát mạnh mẽ để có ít nhất một người nào đó ở bên, họ có một sự ước ao mãnh liệt đối với hầu hết bất kỳ mối quan hệ nào có thể làm chấm dứt nỗi đau vô thức của sự đơn độc đang dày vò họ. Thường thì người đơn độc cảm thấy thất vọng và không thể hòa đồng, gắn bó, hoặc kinh nghiệm về một mối quan hệ gần gũi. Rất nhiều người đơn độc có xu hướng tự đánh giá rất thấp chính mình, họ cảm thấy tự ti, và cho mình không có giá trị. Nhiều người cố gắng tìm sự thư giãn cho mình trong các quán bar, các nhóm ăn chơi, các cuộc gặp gỡ tại nhà thờ, các dịch vụ hẹn hò, các suối nước khoáng có đặc tính chữa bệnh, những chuyến đi nghỉ, các sách tự giúp đỡ, và nhiều loại thuốc giải tỏa khác dành cho những người đơn độc. Ngay cả khi họ thật sự có được mối thông công con người với nhau, nhiều người đơn độc vẫn không thể xây dựng cho mình những mối quan hệ có ý nghĩa hoặc có được sự thỏa mãn về cảm xúc từ những người khác.
Sự đơn độc có thể chỉ ngắn ngủi thoáng qua, nhưng cũng có thể ở trong tình trạng kinh niên kéo dài. Sự đơn độc ngắn ngủi, thường xuất hiện do một vài sự kiện nào đó, chẳng hạn như việc thay đổi những người bạn thân, sự chia ly tạm thời những thành viên trong gia đình, một sự hiểu nhầm hoặc một sự bất đồng nào đó, sự ly dị hoặc sự chết, sự chuyển trường, việc tốt nghiệp hoặc sự chia tay các bạn cùng lớp. Trong khi đó sự đơn độc kinh niên xuất hiện thường xuyên hơn. Tình trạng này xuất hiện khi một người nào cảm giác xấu hổ khi nghĩ mình có ngoại hình xấu xí; khi họ tự xét đoán chính mình, có cách cư xử thiếu nhạy bén về xã hội khiến người khác phải lánh xa, hoặc có những suy nghĩ tự ti như “Tôi chẳng bao giờ hết cô đơn cả”, “Tôi không có được một cuộc sống mà nhiều người thích tôi”.
Hầu hết chúng ta đều đã từng cảm thấy đơn độc ngay cả khi chúng ta có nhiều người xung quanh. Vào những thời gian khác, chúng ta có thể ở một mình nhưng không cảm thấy đơn độc chút nào. Điều này làm cho một vài nhà tâm lý học kết luận rằng sự đơn độc đơn giản chỉ là một cảm giác bên trong, không luôn luôn phụ thuộc vào sự có mặt của người khác. Cảm giác nội tâm này xuất hiện khi chúng ta tự nhận thức mình bị đơn độc, thất bại trong cố gắng tìm những người bạn, hoặc thiếu những kỹ năng cần thiết về xã hội để quan hệ với những người xung quanh. Con người thường cảm thấy đơn độc khi phân rẽ mình với Đức Chúa Trời và cảm thấy cuộc sống mình không có ý nghĩa hoặc không có mục đích. Những người như thế cần một mối quan hệ trưởng thành và gắn bó với Đức Chúa Trời, nên ở trong cộng đồng và thông công với những người tín hữu.
Thật là quan trọng để phân biệt sự cô độc (hoặc đơn độc) với trạng thái cô đơn. Sự cô độc xuất hiện khi áp lực cuộc sống đè nặng và cảm thấy cô đơn; khi sự cô độc lan ra sẽ làm cho người ta phải lệ thuộc vào nó và phải nỗ lực rất nhiều để thoát khỏi. Sự cô độc làm đau đớn, sức lực cạn kiệt, và chán nản. Trong khi sự cô đơn là một trạng thái thu mình có ý thức với những người khác, sự cô đơn có thể bắt đầu và chấm dứt nhờ ý chí; trong sự cô đơn người ta có thể vẫn biểu lộ vẻ tươi tỉnh, trẻ trung và vui vẻ.
KINH THÁNH VÀ SỰ CÔ ĐƠN
Ngay sau khi tạo dựng A-đam, Đức Chúa Trời đã phán: “Loài người ở một mình thì không tốt; Ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó”. Vì thế, Đức Chúa Trời đã nắn nên Ê-va và dạy dỗ hai người “hãy sanh sản, thêm nhiều, và làm cho đầy-dẫy trên mặt đất”. Trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời và với nhau, cả A-đam và Ê-va đều không cảm thấy cô đơn. Khi đã sa vào tội lỗi, cặp uyên ương đầu tiên này đã phá vỡ mối thông công với Đức Chúa Trời và xuất hiện sự chia rẽ giữa chồng và vợ. Sự ích kỷ và sự căng thẳng trong từng cá nhân xuất hiện trong mối quan hệ của họ, và những cảm giác của họ về sự đơn độc đã phát sinh, và sự cô độc đã xuất hiện trong dòng dõi của con người.
Sự cô đơn hiếm khi được thảo luận trong Thánh Kinh, thế nhưng được nhắc đi nhắc lại. Trong cuộc đời của những nhân vật trong Kinh Thánh như Môi-se, Gióp, Nê-hê-mi, Ê-li, và Giê-rê-mi, Đa-vít… đã trải qua nhiều lúc đơn độc, cô đơn và khổ sở; Chúa Jêsus cũng đã cảm thấy cô đơn trong vườn Ghết-sê-ma-nê; Sứ đồ Giăng cũng đã chấm dứt cuộc sống của ông trong sự cô đơn, đơn độc trên đảo Bát-mô; Sứ-đồ Phao-lô cũng đã một mình trải qua những ngày cuối đời trong tù.
Toàn bộ Kinh Thánh đều nhấn mạnh đến nhu cầu của chúng ta trong sự thông công với Đức Chúa Trời và với người khác. Các Cơ Đốc nhân, hãy yêu thương, giúp đỡ, khích lệ, tha thứ, và chăm sóc lẫn nhau. Một mối quan hệ trưởng thành với Đức Chúa Trời và với những người khác sẽ là nền tảng cho bất kỳ giải pháp nào đối với nan đề đơn độc. Thế nhưng làm thế nào để mọi người xây dựng được một mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời hoặc với những người khác?
(còn tiếp)
Hồ Kim Quốc dịch
(Trịnh Phan hiệu đính)