Phép Màu Vùng Ven Biển (Phần 2)

1690

Những trang sử mới

Sau năm 1975, tại An Cường, Phước Thiện, Lệ Thủy không còn nhà thờ, nhưng vẫn có một số con cái Chúa, sau khi tản cư khắp nơi, đã về quê cũ sinh sống. Mục sư Hoàng Ngọc Quang, dù đang chủ tọa tại Hội Thánh Bình Sơn, cũng tận tâm lên xuống thăm viếng, khích lệ con cái Chúa giữ gìn đức tin.

Tháng 04/1976, Truyền đạo Võ Đông Thu được bổ đến Phước Thiện, nhưng tình hình không cho phép nên ông cũng không ở được lâu. Trong lúc này, nhà thờ bị tháo gỡ, dẫn đến sự thờ phượng Chúa thưa thớt dần về thời gian cũng như con người. Vào tháng 6/1976, Truyền đạo Lê Văn Đoàn (từ 1976 đến 2010) được Địa hạt Bắc Trung bộ bổ nhiệm đến Chủ tọa Hội Thánh Bình Sơn và kiêm lo ba Hội Thánh vùng biển: An Cường, Phước Thiện và Lệ Thủy. Thương mến con cái Chúa ở vùng xa, ông không quản ngại khó khăn để đến khích lệ đời sống tâm linh họ. Thời gian biểu ngày Chúa nhật của ông như sau: sáng Bình Sơn, trưa Phước Thiện, xế chiều là Lệ Thủy, rồi chiều là An Cường. Phương tiện duy nhất là xe đạp với đoạn đường gần 40km cả đi và về.[1]

Tại Phước Thiện, được sự khích lệ của tôi tớ Chúa, một số tín hữu đã bắt đầu được nhen nhóm lại đức tin. Chiều thứ Bảy, sau khi bán cá xong, họ ở lại Bình Sơn để sáng ngày hôm sau nhóm thờ phượng Chúa cùng Hội Thánh rồi trở về nhà. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng lòng yêu mến Chúa cùng với sự kiên trì cầu nguyện của con dân Chúa tại đây không hề thay đổi. Đến năm 1985, Hội Thánh quyết định thờ phượng Chúa trở lại. Họ tổ chức nhóm lại luân phiên tại nhiều nhà tín hữu, đến khi đông quá, không có chỗ ngồi lại ra dời ra ngoài sân để ngồi nhóm: không nhà, không vách… thậm chí ghế ngồi cũng không có. Thời gian khó khăn, cũng là thời gian Chúa ban ơn cho một số anh em đứng lên lo cho Hội Thánh trong sự thờ phượng Chúa thứ Năm hằng tuần, sau đó là vào chiều Chúa nhật.[2] Lúc này, Hội Thánh cũng nhóm tuần hoàn để gây dựng các ban ngành. Chúa đã sử dụng họ trong Ban Chấp sự của Hội Thánh Bình Sơn, và trở nên đặc trách tự nhiên của Hội Thánh Phước Thiện.[3]

Các Hội Thánh vùng ven biển phía bắc tỉnh Quảng Ngãi

Tại Lệ Thủy, sau năm 1975, nhà thờ đã bị trưng dụng làm lò vôi Hợp tác xã ở thời điểm bấy giờ. Con dân Chúa bị tản lạc khắp nơi, dầu vậy, vẫn còn một số tín đồ giữ đức tin, đi lên nhà thờ Bình Sơn nhóm thờ phượng Chúa và dự các ngày lễ lớn. Vì đường lên nhà thờ Bình Sơn khá xa (hơn 15km), không thuận tiện cho những người già, trẻ em, nên các gia đình tín hữu tại Lệ Thủy đã tình nguyện cho mượn nhà mình để làm nơi nhóm lại.[4] Hội Thánh thường nhóm lại vào lúc 12 giờ trưa.[5] Có khi do điều kiện khó khăn, Truyền đạo Lê Văn Đoàn phải phân công các anh em nhân sự đến sinh hoạt để gây dựng đời sống đức tin cho con cái Chúa.[6]

Năm 2001, năm diễn ra Hội đồng Tổng Liên Hội lần thứ nhất (lần thứ 43 theo lịch sử Giáo Hội), cũng là thời gian Hội Thánh gặp nhiều khó khăn nhất. Sau Đại hội đồng Tổng Liên Hội, Truyền đạo Lê Văn Đoàn đã làm văn bản, bàn giao 3 Hội Thánh An Cường, Phước Thiện và Lệ Thủy lại cho Tổng Liên Hội, và để cho các Hội Thánh tự lo về phần thờ phượng Chúa, ông chỉ là người giúp đỡ, hỗ trợ từ xa. Sau này, công việc Chúa tại vùng này dần ổn định nhờ có sự cộng tác của nhiều nhân sự từ Hội Thánh Tin Lành Bình Sơn.[7]

Cảnh đẹp vùng ven biển

Cuối năm 2008, cùng với Hội Thánh An Cường, chính quyền đã chính thức công nhận Điểm Nhóm Tin Lành Phước Thiện và được sinh hoạt tạm thời tại nhà ông Đỗ Văn Phước là con trai bà cụ Ỷ. Sau đó, UBND huyện Bình Sơn ra quyết định số 2266/UBND-NC, ngày 18/8/2009 và công văn số 126/BTG-CGTL của Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ngãi về việc công nhận Hội Thánh Tin Lành Phước Thiện là Chi Hội chính thức trực thuộc Hội Thánh Tin Lành VN (MN). Vào ngày 03/11/2009, UBND huyện Bình Sơn đã ra quyết định số 1255/UBND chấp thuận cho Hội Thánh Tin Lành Phước Thiện được xây nhà nguyện tạm trên nền nhà thờ cũ với diện tích là 488m². Ngày 17/11/2009, là Lễ “Đặt viên đá móng”, khởi công xây dựng nhà Chúa sau gần 6 tháng thi công, Hội Thánh tổ chức Lễ Cung hiến đền thờ vào ngày 07/05/2010. Ngày 19/12/2012, lễ bổ nhiệm Truyền đạo Trần Ngọc Anh đã được tổ chức cùng với lễ tạm biệt đầy tớ Chúa là Mục sư Lê Văn Đoàn diễn ra thật cảm động. Ngày 10/6/2016, Hội Thánh Tin Lành Phước Thiện cậy ơn Chúa tổ chức Lễ Khởi công xây dựng nhà thờ mới với diện tích 900m2, và đã khánh thành ngày 18/04/2018, sau gần 2 năm thi công.[8]

Nhà thờ Tin Lành Phước Thiện

Hội Thánh Tin Lành Lệ Thủy, nơi khó khăn nhất lại là nơi được chính quyền công nhận là Điểm Nhóm đầu tiên vào ngày 18/12/2005. Từ đây, con cái Chúa được nhóm công khai tại nhà ông bà Ao Công Sáu, đến tháng 06/2011 chuyển sang nhà ông Lê Văn Cao. Các ban ngành bắt đầu sinh hoạt trở lại, gia đình Trung niên nhóm vào tối thứ Tư tuần hoàn từ gia đình này đến gia đình khác, nhóm Thiếu nhi tối thứ Bảy hằng tuần tại nhà nhóm, Thanh Thiếu niên nhóm chiều Chúa nhật. Các lớp học Trường Chúa nhật cũng bắt đầu được mở. Vào ngày 10/6/2010, Truyền đạo Tô Đình Việt[9] được bổ về quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Chi Hội Lệ Thủy. Lễ Công bố thành lập Chi Hội Tin Lành Lệ Thủy được tổ chức vào ngày 23/06/2018. Sự ban phước của Chúa trên đời sống con cái Chúa ở đây thật rõ ràng, đã có rất nhiều gia đình có người hầu việc Chúa xuất thân từ Hội Thánh Lệ Thủy, không những vậy, đời sống vật chất họ cũng được Chúa ban cho thật đầy đủ.[10] Hiện tại, Hội Thánh đã được chính quyền cấp một khu đất khoảng 2.200m2 để chuẩn bị xây đền thờ cho Chúa.[11]

Nơi nhóm tạm của Chi Hội Lệ Thủy

Sau một thời gian di chuyển Điểm Nhóm qua một số nơi, đến năm 1999, Hội Thánh Tin Lành An Cường bắt đầu chuyển về nhóm cố định tại nhà một tín hữu cho đến nay, sát bên khu vực nhà thờ cũ.[12] Thời kỳ này, Hội Thánh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đức tin của con dân Chúa không hề lay chuyển. Lúc khó khăn nhất, khi các tôi tớ Chúa không đến được với Hội Thánh, thì các nhân sự Hội Thánh phải lên Bình Sơn học Kinh Thánh với các đầy tớ Chúa rồi về chia sẻ lại cho Hội Thánh. Họ phải nhóm lại vào những buổi trưa. Năm 2010, Mục sư Nhiệm chức Phạm Đến được cử về lo công việc Chúa tại đây, tuy vậy, do chưa có nhà thờ, nên Hội Thánh vẫn nhóm lại tại nhà một tín hữu. Ngày 07/09/2018, lễ Công bố thành lập Chi Hội An Cường đã được diễn ra, nhà nước cũng đang có kế hoạch cấp đất cho Hội Thánh để xây nhà thờ. Theo Mục sư Trí sự Lê Văn Đoàn, hiện nay tại An Cường có rất nhiều đổi thay, nhiều bạn trẻ đã được trưởng thành và đã biết dự phần hầu việc Chúa cùng Hội Thánh.

Nơi nhóm tạm của Chi Hội An Cường

Con đường phía trước

Ngày nay, ba Hội Thánh Phước Thiện, Lệ Thủy và An Cường đều nằm gọn trong khu công nghiệp phía đông của Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm một số xã của các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, thị trấn Châu Ổ và cả huyện đảo Lý Sơn. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực trong đó trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn liền với việc khai thác cảng nước sâu. Nơi đây đang hình thành một khu đô thị công nghiệp khá lớn, thuận tiện về mặt giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Những con đường nhựa rộng rãi, thẳng tắp đang thay thế những con đường đất gồ ghề, khúc khuỷu ngày xưa, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần thay đổi.

Và cùng với sự thay đổi ấy, chính là sự hồi sinh, vươn lên của các Hội Thánh Chúa trong khu vực. Có lẽ không có ngôn từ nào để diễn tả đầy đủ niềm vui của con cái Chúa tại các Hội Thánh vùng ven biển phía bắc tỉnh Quảng Ngãi này. Ngày nay, những khó khăn đã dần giảm đi, các Hội Thánh đã được công nhận, và được sinh hoạt công khai tại địa phương. Như đã nói ở trên, Hội Thánh Phước Thiện đã xây dựng lại một ngôi nhà thờ mới thật khang trang đẹp đẽ; Hội Thánh Lệ Thủy đã được cấp 2.200m2 đất, và Hội Thánh An Cường thì đang được xem xét để cấp đất sau khi được công nhận Chi Hội. Vấn đề còn lại là xây dựng và phát triển Hội Thánh về cả hai phương diện vật chất và tâm linh. Điều này không phải dễ, bởi nếu nhìn lại nguồn lực của Hội Thánh Chúa, chúng ta phải thấy rằng, mỏng và yếu. Thế hệ trẻ vẫn chưa đủ vững vàng, đủ sức lực để nối tiếp truyền thống đức tin của ông cha ngày trước, trong khi đó lớp người cũ cũng đã “xế bóng chiều tà”. Một số nhân tố tích cực của Hội Thánh, do hoàn cảnh chiến tranh ngày trước, đã định cư tại nơi khác, nên họ chỉ có thể góp phần từ xa cùng Hội Thánh quê nhà trong một số lĩnh vực. Số anh em còn lại, bao năm qua đã gầy dựng và duy trì sự sinh hoạt của Hội Thánh đến ngày nay, thì cũng xem là một nỗ lực rất lớn rồi. Chính vì vậy, bên cạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất cho Hội Thánh Chúa (nhà thờ, tư thất, công trình Cơ Đốc Giáo dục…) thì sự định hướng cho sự phát triển của Hội Thánh trong tương lai cũng là điều rất quan trọng. Có như vậy, thì chúng ta mới thể hiện được lòng biết ơn của mình đối với tiền nhân, các tôi con Chúa đã một thời gắn bó, hết lòng vì đạo Chúa trên vùng đất quê hương. Dẫu bao khó khăn, có lúc tưởng chừng như không còn hy vọng, nhưng Đức Chúa Trời không quên Hội Thánh Ngài, và trong sự trông cậy hết lòng của con dân Chúa nơi đây, lần lần, Hội Thánh Chúa lại được hồi sinh một cách kỳ diệu.

Gần 60 năm trôi qua, sau ngần ấy thời gian luôn giữ lòng trung tín, trông cậy vào sự quan phòng của Chúa, thì nay, ơn phước Chúa đã đổ tràn trên Hội Thánh, con dân Ngài tại đây. Những câu chuyện buồn vui của thời gian đã qua, rất nhiều, kể hoài không hết, những ơn phước Chúa ban cho con dân Ngài tại đây, nhìn lại, mới thấy thật là vô cùng. Âu đó cũng là qui luật của cuộc sống, “hết cơn bỉ cực, đến hồi thái lai”. Và chắc chắn một ngày không xa, những ngôi thánh đường tại vùng biển xa xôi này sẽ được mọc lên giữa vùng cát trắng, và Phúc Âm của Chúa Cứu thế Giê-xu Christ ngày càng được nhiều người biết đến qua chính đời sống tin kính Chúa hết lòng của những tôi con Chúa nơi đây. Phép màu vùng ven biển này, đã, đang và sẽ còn diễn ra trong sự tể trị của Thiên Chúa.

Vũ Hướng Dương
(trong bài có sử dụng tư liệu của các Hội Thánh, tôi con Chúa cung cấp)

Chú thích:

[1] Lời kể của Mục sư Trí sự Lê Văn Đoàn
[2] Lời kể của một tín hữu tại HTTL Phước Thiện
[3] Lược sử HTTL Phước Thiện
[4] Đã có 13 gia đình tín hữu tình nguyện cho HT mượn nhà để nhóm lại (lược sử HTTL Lệ Thủy)
[5] Vì một mình Mục sư Đoàn phải đi nhiều nơi, nên không thể có được thì giờ thuận tiện. HT phải nhóm trong một nhà tole tiền chế rất chật hẹp và nóng bức giữa trưa nắng miền trung.
[6] Lời kể của Mục sư Nhiệm chức Tô Đình Việt, Quản nhiệm HTTL Lệ Thủy
[7] Lược sử HTTL Lệ Thủy
[8] Lược sử HTTL Phước Thiện
[9] Ông cũng là nhân sự của HTTL Bình Sơn cộng tác với Truyền đạo Lê Văn Đoàn lo cho HT Lệ Thủy trong giai đoạn còn khó khăn
[10] Lời kể của Mục sư Nhiệm chức Tô Đình Việt và các anh em nhân sự HTTL Lệ Thủy
[11] Lược sử HTTL Lệ Thủy
[12] Do chiến tranh nên nhà thờ đã bị hư hại hoàn toàn

Bài trướcỦy Ban Thanh Thiếu Nhi Giới Thiệu Quyển “Kinh Thánh Mục Vụ Thể Thao”
Bài tiếp theoBài 110: Phước Hạnh Của Sự Tha Thứ (tiếp theo)