Phép màu vùng ven biển (phần 1)

2205

HTTLVN.ORG – Không biết từ khi nào, những làng chài tại vùng ven biển phía bắc tỉnh Quảng Ngãi đã được hình thành. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, và hầu như họ dành trọn thời gian một ngày của mình cho việc mưu sinh. Do những đặc thù về địa lý, nên vùng đất này khá tách biệt, chính vì vậy, dầu năm 1926 tại Tam Kỳ (cách Phước Thiện gần 70km) đã thành lập được Hội Thánh, thì cho đến những năm cuối của thập kỷ 1950, Tin Lành mới được lan tỏa đến.

Ba Hội Thánh An Cường, Phước Thiện (xã Bình Hải) và Lệ Thủy (xã Bình Trị) huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đều hình thành gần như cùng một thời điểm, cùng có những thăng trầm giống như nhau. Các Hội Thánh được sinh ra trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, rồi cũng do chiến tranh mà con cái Chúa tản lạc khắp nơi, và sau năm 1975, họ dần dần vượt qua muôn ngàn khó khăn để tổ chức, duy trì sự nhóm lại, và mới có được ngày hôm nay. Tháng 08/2009, Hội Thánh Phước Thiện được hồi sinh. Chín năm sau đó, sự kiện công bố thành lập Chi Hội Lệ Thủy (ngày 23/06/2018) và Chi Hội An Cường (ngày 07/09/2018) có thể xem là một bước ngoặc lịch sử của các Hội Thánh Chúa tại nơi đây.

Bước khởi đầu

Tin Lành đã đến vùng đất An Cường từ năm 1958 qua những bước chân của các tôi tớ Chúa như: Truyền đạo sinh Ngô Thái Bình, Mục sư Nguyễn Lĩnh ở Quảng Ngãi, ông bà Giáo sĩ Livingston và sau đó là Truyền đạo sinh Mã Phúc Tín, Bùi Phiên.

Có thể nói, thời kỳ này, công việc Chúa phát triển khá tốt, cả về thuộc linh cũng như thuộc thể. Thánh Kinh Báo cho biết, tại An Cường, từ tháng 07 đến cuối năm 1962, có đến hơn 100 người cầu nguyện tin Chúa; tháng 08/1962, có 80 người chịu phép báp-têm, số tín đồ đã gần 400 người; nhà thờ và tư thất đã được xây dựng kiên cố,[1] bề ngang 7,8m; bề dài 15,8m; cao 7,3m; mái ngói tường xây[2] và được cung hiến vào ngày 08/05/1963 với sự tham dự của nhiều tôi con Chúa từ: Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi.[3]

Ngày lễ Cung hiến đền thờ Chúa tại An Cường 08/05/1963 (TKB số 134, tháng 09/1963)

Trước đó, công việc nhà Chúa tại Phước Thiện đã được thành lập từ năm 1960 do Truyền đạo Bùi Phiên tại Hội Thánh An Cường kiêm lo, với 65 gia đình tín hữu.[4]

Trong báo cáo hàng năm của Giáo sĩ T. G. Mangham JR, ngày 01/02/1962, có nói về cuộc phục hưng tại Hội Thánh Quảng Ngãi. Chiến dịch truyền giáo đã diễn ra tại 14 địa điểm và đã có 15 người tin Chúa. Tại làng chài Bình Đức, 61 người đã cầu nguyện trong tháng đầu tiên của chiến dịch. Dù mới tin Chúa được hai năm, nhưng 5 tín hữu tại một ngôi làng đã cộng tác đắc lực với các tôi con Chúa bằng cách làm chứng mạnh mẽ cho bạn bè của họ. Vào đêm Giáng sinh năm 1961, 12 thanh niên từ khu vực đó đã đi bằng xe đạp 26km đến Châu Ổ để gặp nhau trong buổi nhóm Giáng sinh đầu tiên. Một cặp vợ chồng già, 65 và 68 tuổi, đã đi bộ 26km để thờ phượng Chúa. Các nhà thờ mới được dựng lên tại Phước Thiện, Nghĩa Hưng và Đức Phổ. Nhiều tín hữu đã hy sinh phương tiện cũng như công sức của họ để có thể chứng kiến ngôi nhà thờ được hoàn thiện, trong đó có người chỉ mới tin Chúa một năm. Họ đã mua đất và tự góp công góp của để xây dựng nhà thờ.[5]

Nhà thờ Tin Lành Phước Thiện trong ngày lễ Cung hiến (ảnh chụp lại từ clip Lược sử HTTL Phước Thiện)

Trong bài Miracle Beside The Sea, Giáo sĩ Livingston có nói về các Hội Thánh tại nơi đây. Việc xây dựng nhà thờ An Cường không hề thuận lợi, bởi gặp sự chống đối, phá phách của những người chưa hiểu biết đạo Chúa. Ban đêm, họ lén đến và dùng đá san hô để ném vỡ ngói đang chuẩn bị để lợp mái cho nhà thờ. Ông có nhắc đến một người giáo viên tên Triệu. Từ khi tin nhận Chúa, anh cũng như những tín hữu khác, đã chịu đựng rất nhiều lời cay đắng, dè biểu, hăm dọa, những lời nói dối đầy ác ý của dân làng, người thân. Dầu vậy, anh nói: “Tôi đã thờ cúng tổ tiên trong nhiều năm rồi, nhưng tôi chưa bao giờ hài lòng và tôi đã gặp nhiều bất hạnh mặc dù tôi vẫn trung thành với họ (tổ tiên). Bây giờ tôi quyết tâm đi theo Chúa và tự dâng mình để phục vụ của Ngài”. Anh là một trong 87 tân tín hữu được nhận phép báp-têm tại một con lạch nhỏ gần làng. Năm 1963, tại An Cường đã có 460 ngư dân tin nhận Chúa Giê-xu. Có nhiều khóa học Kinh Thánh được tổ chức để giúp cho các tín hữu hiểu biết thêm về Lời Chúa. Họ phải trải những cánh buồm lớn trên sân của một ngôi nhà để tạo bóng mát, che cho 200 người lớn đang theo học Lời Chúa khỏi cái nắng nóng tháng bảy. Việc xây dựng nhà thờ An Cường cũng là điều rất đáng trân trọng vì những nỗ lực của con dân Chúa tại nơi đây. Các tín hữu đã bỏ mùa đánh bắt cá trong ba năm để góp phần xây dựng nhà thờ. Đá vôi được khai thác tại địa phương, ngói thì phải mang vác từ cách đó 3km… Khi nhà thờ gần hoàn thiện thì mới có tôi tớ Chúa đầu tiên được cử về. Chỉ trong vòng 3 tuần, họ tiếp tục xây tư thất để tôi tớ Chúa ở. Thậm chí có gia đình đã gỡ cửa sổ nhà mình để đem gắn vào tư thất mới.[6]

Trong cuộc bố đạo từ ngày 11-13/02/1963 tại xã Bình Thông, ấp Lệ Thủy, cách Hội Thánh An Cường 6km, đã có đến 197 người cầu nguyện tin Chúa.[7] Số tín đồ tại Lệ Thủy đã lên đến 300 người với khoảng 100 gia đình. Và cũng trong năm này, tại An Cường, Phước Thiện, Lệ Thủy và Thanh Thủy luôn có người đến tin Chúa. Về tình hình cơ sở vật chất thì, Hội Thánh An Cường đang lo xây giếng và sửa chữa trong khuôn viên nhà thờ; Hội Thánh Phước Thiện đang thiếu tiền để lợp ngói nhà thờ; còn tại Lệ Thủy, Hội Thánh đang lo chọn đất, tìm chỗ xây cất nhà Chúa hầu có chỗ nhóm lại thờ phượng Chúa…[8]

Tín đồ tại HTTL Lệ Thủy (hình do HTTL Lệ Thủy cung cấp)

Năm 1964, chiến cuộc lan đến vùng này, con cái Chúa tan lạc khắp đó đây, gần ngót 3 năm. Vào mùa hè năm ấy, Truyền đạo Lê Cao Quý được Địa hạt Trung Trung bộ bổ về Hội Thánh Lệ Thủy. Ông đã thay cho Hội Thánh mua 3.000m2 đất để xây dựng ngôi nhà thờ.[9] Tuy nhiên, sau năm 1975, khu đất này đã bị tư nhân chiếm dụng, và hiện nay, sau khi được công nhận chính thức vào năm 2018, Hội Thánh đã được chính quyền cấp một khu đất mới.[10]

Mùa xuân năm 1967, tình hình ổn định hơn, con cái Chúa trở về quê nhà và thờ phượng Chúa. Tuy nhiên, họ đã mất tất cả tài sản, thậm chí một số người không còn nhà ở. Ngày 14/07/1967, Truyền đạo sinh Trà Văn Cam đến hầu việc Chúa tại Phước Thiện, kiêm An Cường và Lệ Thủy, ở tạm một nhà tín hữu. Hội Thánh cũng nhóm lại tại đây, có đến 60, 70 người chen chúc ngồi dưới đất để nghe Lời Chúa. Việc làm đầu tiên của Truyền đạo Trà Văn Cam là lo xây cất một tư thất và làm nơi nhóm lại thờ phượng Chúa cho đến khi tái thiết được nhà thờ, cũng như sắm sửa một số bàn ghế, dù rằng hoàn cảnh của con cái Chúa lúc đó rất khó khăn.[11]

Phước Thiện dù là nơi ít người lui tới, nhưng đây là một thắng cảnh, khí hậu tuyệt vời, tín đồ phần lớn làm nghề biển quanh năm và thường nhóm lại đông đúc. Từ quận lỵ Bình Sơn (Quảng Ngãi) đến Phước Thiện phải đi bằng ghe máy trong 3 tiếng đồng hồ.[12] Sau khi Truyền đạo sinh Trà Văn Cam trở về trường, Truyền đạo sinh Võ Tấn Biên khi được sai đến hầu việc Chúa, ông đã xây được 2 nhà thờ và 1 tư thất tạm đủ cho tín đồ nhóm lại. Cuối năm 1970, ông nhập ngũ. Hội Thánh lại thiếu chủ tọa, một mình Truyền đạo sinh Nguyễn Văn Huệ ở Bình Sơn phải kiêm nhiệm thêm 3 Hội Thánh: An Cường, Lệ Thủy và Phước Thiện.[13]

Tại An Cường thì đến năm 1968, nhà thờ đã bị chiến tranh tàn phá, con cái Chúa tản lạc khắp nơi để lánh nạn và mưu sinh. Số ít tín đồ còn lại vẫn duy trì sự nhóm lại tuần hoàn tại các gia đình.[14]

Giữa năm 1971, Truyền đạo sinh Võ Đình Đán về hầu việc Chúa tại Lệ Thủy vào thời điểm chiến tranh ác liệt. Tháng 10/1971 cơn bão Hester đã làm sập nhà thờ. Do chiến cuộc, tín hữu phải tản cư về Hội Thánh Bình Sơn. Tháng 12/1972, Truyền đạo sinh Võ Đình Đán được bổ đi nơi khác, Hội Thánh lại thiếu người chăn.[15]

Tại Phước Thiện, đầu năm 1972, Truyền đạo Lương Ngọc Ngọc (từ 1972-1973), được Giáo Hội bổ đến tiếp tục công việc Chúa tại đây. Đến đầu năm 1973, ông đã rời Hội Thánh, do tình hình ngày càng khó khăn. Con cái Chúa lại tiếp tục tản lạc, đến các nơi tạm gọi là bình yên như Lý Sơn, Châu Má, Bình Thuận và Bình Sơn, dù rằng một số người lớn tuổi vẫn ở lại quê hương.[16] Lúc này, các nhà thờ Phước Thiện, Lệ Thủy đều bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.[17] Có nhiều anh em tín hữu vào miền Nam để lập nghiệp, đến Bình Tuy, sau này đã trở thành chi phái 3 của Hội Thánh Phúc Âm. Đầu năm 1974, chiến sự lắng xuống, một số người lại trở về quê hương. Tháng 07/1974, Truyền đạo Nguyễn Quý Hùng, được bổ đến[18]. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa yên ổn, nhà thờ không còn, nên Hội Thánh phải nhóm lại tại trường tiểu học Bình Thạnh cho đến tháng 04/1975.[19]

(còn tiếp)

Vũ Hướng Dương

Ghi chú:
——-

[1] Thánh Kinh báo, Tin tức, 294 (125), tháng 12/1962, theo Mục sư Trí sự Huỳnh Sĩ Hùng, nhà thờ xây trên khu đất rộng 3.000m2 mua lại của một tín đồ, đây là khu đất cao ráo, đẹp nhất trong làng.
[2] Thông tin từ Mục sư Trí sự Huỳnh Sĩ Hùng
[3] Thánh Kinh báo, Tin tức, 302 (134), tháng 09/1963
[4] Thánh Kinh Nguyệt san, Tin tức, 348, tháng 11/1967
[5] Báo cáo năm 1961, T. G. MANGHAM, JR, Sài Gòn, ngày 01/02/1962
[6] Bài: Phép Màu Vùng Duyên Hải (MIRACLE BESIDE THE SEA), J. H. Livingston, The Call of Vietnam, mùa hè 1963, trang 3-5
[7] Thánh Kinh báo, Tin tức, 297 (128), tháng 03/1963
[8] Thánh Kinh báo, Tin tức, 309 (142), tháng 05/1964
[9] Lược sử HTTL Lệ Thủy
[10] Thông tin từ HTTL  Lệ Thủy
[11] Thánh Kinh Nguyệt san, Tin tức, 348, tháng 11/1967
[12] Theo lời kể của Mục sư Trí sự Trà Văn Cam thì dù có đường bộ, nhưng không hề an toàn, nên tôi con Chúa đều phải di chuyển theo đường biển, đường sông để đến với nhau, dẫu rằng hai bên bờ cũng không mấy an ninh. Họ đi ghe máy ra ngoài khơi xa, rồi mới vòng vào cửa sông Châu Ổ mà đến Bình Sơn.
[13] Thánh Kinh Nguyệt san, Tin tức, 381, tháng 12/1970
[14] Thông tin từ Mục sư Trí sự Huỳnh Sĩ Hùng
[15] Lược sử HTTL Lệ Thủy
[16] Lược sử HTTL Phước Thiện
[17] Biên bản số 63/BTP/73 của Ban Trị sự Địa hạt Bắc Trung phần
[18] Tuy nhiên, theo biên bản số 62/BTP/73 của Ban Trị sự Địa hạt Bắc Trung phần thì Truyền đạo sinh Nguyễn Quý Hùng được bổ đến An Cường và Phước Thiện từ nhiệm kỳ 1973-1974
[19] Lược sử HTTL Phước Thiện

Bài trướcTưởng Nhớ Đấng Giải Cứu – 27/6/2019
Bài tiếp theoDâng Con Trưởng Nam Cho Chúa – 28/6/2019